Tại cuộc họp, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 151.984 tỷ đồng, gồm 18 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác (18.086 tỷ đồng); 45 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư (133.900 tỷ đồng, chưa bao gồm các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang triển khai), trong đó có 41 dự án BOT, 4 dự án BT.
Vụ trưởng - Trưởng ban PPP Nguyễn Danh Huy báo cáo tại cuộc họp
Theo kế hoạch, dự kiến Quý IV/2014 sẽ khởi công 7 dự án, năm 2015 dự kiến kêu gọi đầu tư 15 dự án. Riêng đối với 43 dự án đang triển khai (trừ Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 20 đoạn Đồng Nai - Lâm Đồng vay tín dụng từ các tổ chức quốc tế), vốn đã huy động từ các ngân hàng đến nay khoảng 66.500 tỷ đồng, sẽ huy động từ Ngân hàng đến hết 2014 khoảng 7.800 tỷ đồng; năm 2015 dự kiến sẽ huy động tiếp từ các ngân hàng khoảng 63.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Huy cũng nêu lên những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. “Các ngân hàng có chính sách ưu tiên cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT); Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế để các Quỹ tài chính tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông với vai trò là bên cung cấp tín dụng và có cơ chế bảo lãnh cho các quỹ tài chính khi đầu tư vào lĩnh vực KCHTGT; đồng thời, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp khi đầu tư KCHTGT, đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết các bên: ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu” - ông Nguyễn Danh Huy kiến nghị.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thời gian qua BIDV đã hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà thầu trong việc vay vốn để đầu tư vào lĩnh vực KCHTGT, đặc biệt là các dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào KCHTGT, tiếp tục giải ngân kịp thời cho nhà đầu tư các dự án, đảm bảo tiến độ đầu tư; đồng thời sẽ xem xét, nghiên cứu thời hạn khoản vay trong hợp đồng tín dụng, phương án tài chính…
Tuy nhiên, đại diện BIDV kiến nghị Bộ GTVT cùng các bên liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án như đã cam kết; phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB, bởi việc GPMB chậm sẽ ảnh hưởng đến công tác giải ngân; yêu cầu các nhà đầu tư kịp thời bố trí đủ kinh phí cho các địa phương để tổ chức bồi thường, GPMB, khẩn trương thi công trên mặt bằng đã giao để đẩy nhanh tiến độ các dự án; đồng thời, xử lý các nhà đầu tư yếu kém, làm chậm, lựa chọn nhà đầu tư thay thế và các thủ tục liên quan theo đúng quy định.
Hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT, BT, PPP
với tổng mức đầu tư khoảng 151.984 tỷ đồng
Đánh giá cao và cảm ơn các bộ, ngành, các ngân hàng đã hỗ trợ vốn để thi công các dự án của ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định trong thời gian qua, các bộ, ngành, các ngân hàng đã quan tâm, tích cực phối hợp với ngành GTVT trong sự nghiệp chung đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để GTVT thực sự đi trước một bước, mở đường để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng đánh giá trong hai năm vừa qua, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, ngoài xã hội đầu tư vào KCHTGT rất lớn; điều đó thể hiện ngoài sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, có sự tháo gỡ về cơ chế chính sách của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt các ngân hàng đã vượt qua khó khăn, thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về đẩy nhanh KCHTGT, trong đó tập trung vào tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa. Bộ trưởng để nghị các doanh nghiệp khẩn trương tăng vốn chủ sở hữu, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp của Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, sẽ không còn của nhà nước, các doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sản xuất kinh doanh.
“Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án BOT; cùng với đó, khẩn trương công khai, minh bạch tất cả các dự án, các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT; việc tổ chức triển khai thi công các dự án phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và sẽ không có dự án chậm tiến độ, chỉ có dự án vượt tiến độ", Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện