Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi Lễ
Tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là tuyến được xây mới hoàn toàn, có chiều dài 25,5km, điểm đầu nối với QL 18 tại km 102 + 300 (thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long) điểm cuối đến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc quận Hải An, TP Hải Phòng). Đây là công trình cấp I, quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/giờ, với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Tuyến đường cao tốc này được chia làm 2 dự án thành phần, gồm: Tuyến đường nối TP Hạ Long đến cầu Bạch Đằng dài 19,8 km, sử dụng 120,8 ha diện tích đất; quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 25,5m, bề rộng cầu 25m, kết cấu áo mềm, mặt đường cấp cao A1. Trên tuyến xây mới 7 cầu với tải trọng HL93, không kể cầu Bạch Đằng, 2 cống lớn. Có mức đầu hơn 6.416 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, thời gian thực hiện thi công là 24 tháng, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2016.
Còn Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến nối với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 5,45 km; Cầu có kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bêtông cốt thép, bêtông cốt thép dự ứng lực; vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài toàn cầu 3.054m trong đó nhịp thông thuyền dài 250m; Phần đường dẫn có quy mô như dự án như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng… Tổng mức đầu tư khoảng trên 7.400 tỷ đồng do tập đoàn SE (Nhật Bản) thi công theo hình thức BOT. Dự án đã được khảo sát xong về kỹ thuật. Các tuyến cầu, điểm đấu nối, nút giao đã được lựa chọn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu nhấn nút khởi công Dự án
Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách Hải Phòng – Quảng Ninh từ hơn 60km xuống 25km, tiết kiệm ít nhất gần 1 giờ di chuyển so với quãng đường hiện tại. Đồng thời có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng, phát huy lợi thế thu hút đầu tư, tạo động lực mang tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đây là công trình tuyến đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao cho địa phương làm chủ đầu tư và chủ động bố trí vốn thi công. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là chuẩn bị hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật, phương án thi công, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư triển khai dự án.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đại biểu dự Lễ khởi công
Đến nay, dự án đã đảm bảo thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, với kinh phí đã huy động gần 6 nghìn tỷ đồng. Hiện đã tích lũy được 2.880 tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 800 tỷ, vượt thu năm 2013 là 600 tỷ và kinh phí do Bộ GTVT vay 1.480 tỷ), số tiền còn lại chúng tôi có đủ khả năng bố trí vốn trong thời gian thi công, dành mỗi năm 1 nghìn tỷ đồng từ năm 2015-2017 đã được HĐND tỉnh biểu quyết.
Về tổ chức thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hứa với Thủ tướng Chính phủ và cam kết huy động đủ nguồn vốn triển khai dự án, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý dự án riêng đối với dự án này và thuê đơn vị tư vấn nước ngoài giám sát chất lượng trong quá trình triển khai dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đến tháng 12 năm 2016 hoàn thành dự án và đưa tuyến đường vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả sau đầu tư cùng với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Hà Nội – Lào Cai.
Đồng thời để đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, an toàn hiệu quả, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương bạn, nhất là TP Hải Phòng tiếp tục có sự hỗ trợ, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá rất cao và biểu dương Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đưa tỉnh nhà phát triển khá nhanh, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế giai đoạn 2011-2014 tăng trung bình 9%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước; đặc biệt cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng rất tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện rất tốt, số hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 2%, tỷ lệ lao động thất nghiệp dưới 5%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Để đạt được những kết quả trên, Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh đã thực hiện tốt nhiều giải pháp, đặc biệt là việc huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, góp phần rất quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh.
Đối với tuyến đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước mà Chính phủ đồng ý cho địa phương huy động nguồn lực ngân sách của địa phương để thực hiện. Triển khai dự án này không chỉ phục vụ riêng cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho cả vùng, cả nước. Tuyến đường cao tốc này không chỉ nối Hạ Long với Hải Phòng mà còn nối Hạ Long với Hà Nội và ngược lại, là cơ sở để thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Quảng Ninh trong việc nỗ lực chuẩn bị, triển khai dự án, nhất là việc huy động nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Đồng thời đánh giá cao nhân dân trong vùng dự án đã đồng thuận, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án vì sự phát triển chung trong đó có lợi ích của mỗi người dân. Đây là điều kiện quyết định để dự án được hoàn thành đúng tiến độ.
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần quan tâm chăm lo đời sống, tạo việc làm cho người dân đã bàn giao đất cho dự án.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện đúng các quy định để đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn trong quá trình thi công; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu xếp nguồn vốn và các điều kiện cần thiết để sớm khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng để phát huy giá trị công trình. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã làm việc với Chính phủ Nhật Bản về nội dung này, vấn đề còn lại chỉ là yếu tố kỹ thuật, tỉnh và các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai để cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội được đưa vào sử dụng trong năm 2017.
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện