Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang; chủ đầu tư, nhà tài trợ, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và nhân dân địa phương đã tới dự buổi lễ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ thông xe
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, với tổng chiều dài là 245km đi qua TP. Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A; đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư của Dự án (giai đoạn 1) 1.464 triệu USD.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết, mặc dù Dự án được đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng đặc biệt khó khăn, giá trúng thầu của các gói thầu thấp hơn dự toán được duyệt. Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, sự phối hợp của các sở, ban, ngành có liên quan và các huyện có Dự án đi qua, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, các gói thầu, đoạn tuyến lần lượt được hoàn thành đưa vào thông xe khai thác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương thực hiện nghi lễ thông xe
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành GTVT, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên QL2, QL2B, QL32C, QL4E và QL70, kết nối đến các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch tâm linh và rút ngắn thời gian đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang với thời gian giảm hơn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện hữu.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực của Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và đặc biệt là tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường đã làm việc ngày đêm để đưa tuyến đường vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường
cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245km
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư, các nhà thầu cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường để tuyến đường thường xuyên thông suốt; xem xét trong tương lai phát triển xây dựng các trạm dừng nghỉ và các công trình tiện ích dọc tuyến cao tốc phục nhu cầu lưu thông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng quy trình kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác quản lý vận hành và khai thác, đáp ứng yêu cầu quản lý các tuyến đường cao tốc hiện đại; tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước để đảm bảo cho việc vận hành công trình an toàn, thông suốt và hiệu quả trong quá trình khai thác.
Dưới đây là một số hình ảnh về tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai:
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, đoạn từ Hà Nội
đi Yên Bái tốc độ 100 Km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai tốc độ 80 Km/h
Diện tích GPMB của Dự án 2.062,38 ha, đền bù GPMB cho 25.031 hộ dân
Dự án đi qua 5 tỉnh, TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, với 8 gói thầu
Dự án phải thi công nhiều hạng mục, trong đó có 120 cầu lớn nhỏ
Dự án có 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23ha
Xử lý mái dốc hơn 1,3 triệu m2, khối lượng đất đá đào đắp 100 triệu m3
Thời gian đi từ Hà Nội - Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây
Dự án có 1 hầm xuyên núi dài 530m, 1 hầm chui (giao QL2) dài 645m
Tuyến đường mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương và khu vực
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện