Mở rộng QL1 và QL14: Cuối năm phải bàn giao hết mặt bằng

Thứ ba - 22/10/2013 13:00. Xem: 128
 Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác tổ chức thực hiện GPMB, đảm bảo ATGT phục vụ triển khai các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (QL14) diễn ra chiều 22/10 tại Hà Nội.

 Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cuối 2013 phải cơ bản bàn giao hết mặt bằng. Chỉ có một số ít điểm khó khăn linh động sang đầu năm 2014. “Địa phương nào không hoàn thành ngoài việc chịu phê bình trước Thủ tướng thì đoạn đường đó không làm nữa, để địa phương đó tự làm.

 

Sự chủ động của Hà Tĩnh trong giải phóng mặt bằng giúp đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng QL1 Ảnh: Đức Thắng
Sự chủ động của Hà Tĩnh trong giải phóng mặt bằng giúp đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng QL1 Ảnh: Đức Thắng

 

Khi lãnh đạo xắn tay đi GPMB

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh học tập Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An... trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã bàn giao gần 76%, Đồng Nai gần 90%, Long An gần 80% mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Phó Thủ tướng cho rằng, chỉ có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Tỉnh ủy ban hành riêng nghị quyết chuyên đề, Bí thư, Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo các cấp cùng xắn tay đi GPMB thì GPMB mới thông được.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang triển khai đồng loạt nhiều dự án, nhưng rất ít công trình bị chậm mặt bằng. Từ năm 2008, Đồng Nai đã ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề về GPMB và quy hoạch khu tái định cư chung cho tất cả các dự án. Nếu tái định cư riêng cho từng dự án thì chắc chắn chậm, tủn mủn. “QL1 Đồng Nai có tới gần 900 hộ dân bị ảnh hưởng và 250 hộ phải tái định cư. Tuy nhiên, do có khu tái định cư chung nên tỉnh giải phóng rất nhanh, không phải chờ đợi”- ông Vĩnh nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ, khi bắt đầu triển khai các dự án mở rộng QL1, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị về công tác GPMB. Tất cả các cuộc họp về GPMB đều công khai và mời đại diện nhân dân tham gia. Các vướng mắc được tháo gỡ kịp thời. Dù các dự án mới triển khai nhưng Quảng Bình cũng bàn giao được gần 40% mặt bằng.

“Nếu anh làm đúng, làm tốt thì dân sẽ đồng thuận và sớm bàn giao mặt bằng. Nhưng thử hỏi có mấy tỉnh đã làm nghiêm, làm tốt như vậy. Có Bí thư, Chủ tịch tỉnh nào trực tiếp xuống hiện trường giải thích, vận động người dân bàn giao mặt bằng chưa? Chắc là ít”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Không nắm được luật thì sao GPMB được (?!)

Ngoài việc bàn giao mặt bằng chậm, một số địa phương vẫn viện ra nhiều lý do để bào chữa. Đơn cử như Bình Định, tỉnh này mới giải phóng chưa đầy 4% tổng số mặt bằng các dự án trên QL1. Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch tỉnh cho rằng, chậm trễ do mốc giới mặt bằng chưa xác định. Bình Định chưa rõ có mở rộng thêm 2m ở các đoạn qua đô thị hay không nên chưa thực hiện. Cũng theo ông Dũng, tái định cư các dự án BOT phải giao cho các nhà đầu tư. Địa phương chỉ lo dự án vốn trái phiếu. Còn lo cả hai, địa phương không kham nổi.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói, tỉnh này cần tới khoảng 250 tỷ đồng tái định cư. Là địa phương còn khó khăn, nếu giao hết cho tỉnh thì rất khó làm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, đến giờ mà các địa phương vẫn chưa nắm rõ luật thì sao GPMB không chậm (?!). Theo quy định, dù là vốn ngân sách hay BOT thì vốn GPMB Trung ương bố trí, còn tái định cư các địa phương phải lo. Nếu cứ lơ mơ thì không thể làm được. Địa phương không lo nổi thì đề nghị Chính phủ hỗ trợ, không thể đổ lỗi cho nhà đầu tư được.

Về mốc giới GPMB, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng toàn tuyến rộng 20,5m, không có ngoại lệ. Trong bối cảnh vốn liếng khó khăn, tất cả đều phải tiết kiệm triệt để. “Bộ GTVT chỉ làm theo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Tỉnh nào muốn mở rộng hơn, muốn có cây xanh, đèn chiếu sáng,… Bộ rất ủng hộ, nhưng phải tự bỏ tiền ra làm” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng cùng họp là rất hiếm

Khẳng định quyết tâm chính trị cao nhất, không lùi thời hạn hoàn thành các dự án vào năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cuối 2013 phải cơ bản bàn giao hết mặt bằng. Chỉ có một số ít điểm khó khăn linh động sang đầu năm 2014. “Địa phương nào không hoàn thành ngoài việc chịu phê bình trước Thủ tướng thì đoạn đường đó không làm nữa, để địa phương đó tự làm. Các tỉnh phải làm đồng bộ, xuyên suốt, không chỉ làm từng đoạn một như thời gian qua. Khung giá đất bồi thường phải công khai và bảo đảm quyền lợi cho người dân, đồng thời phê duyệt ngay phương án GPMB, không được chậm trễ thêm nữa”- Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Bộ GTVT trong việc triển khai hiệu quả các dự án mở rộng QL1, QL14. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ GTVT đã huy động được gần 50.000 tỷ đồng ngoài ngân sách, chiếm gần một nửa vốn đầu tư các dự án là việc rất có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Bộ GTVT cử trực tiếp các Thứ trưởng cùng làm việc với các địa phương, thúc đẩy tiến độ GPMB các dự án là rất tích cực.

“Ngay tại buổi họp này, cả Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng cùng tham dự một cuộc họp chuyên đề là rất hiếm, chưa có Bộ nào làm được cả. Điều này cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực lớn của Bộ GTVT, rất đáng khen” - Phó Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết di dời hạ tầng kỹ thuật

Liên quan đến vấn đề có hay không hỗ trợ cho công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc theo các dự án mở rộng QL1 và QL14, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, trước đây khi cấp phép, các doanh nghiệp đều có cam kết với các địa phương sẽ tự di dời khi dự án triển khai. Chính vì vậy, các doanh nghiệp như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel… cần thực hiện đúng cam kết, tự di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật để các dự án triển khai đảm bảo tiến độ.

 

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây