Tham dự Hội nghị có các ông: Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện KHCN GTVT; Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT; Phan Lê Bình, Đại diện JICA Hà Nội; Tsuno Motonori, nguyên Trưởng Đại diện JICA Hà Nội, Ichiro Nakahori, Chủ tịch Công ty Sohatsu…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng Lãnh đạo Viện KH&CN GTVT, Cục ĐBVN và
Hội KHKT cầu đường Việt Nam chủ trì Hội nghị khoa học công nghệ sáng nay (19/5)
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá việc Viện KH&CN GTVT phối hợp với Hội KHKT cầu đường Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ ngày hôm nay là một hành động cụ thể hóa phương châm đổi mới sáng tạo kịp thời hiệu quả và hết sức ý nghĩa.
Theo Thứ trưởng, hầm đường bộ là một trong những công trình giao thông quan trọng trong mạng lưới đường bộ, được thiết kế để giúp các phương tiện rút ngắn khoảng cách lưu thông và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của các tuyến đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.
Thứ trưởng cho biết, trong hơn 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã chủ động tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng hầm từ các nước tiên tiến, nhiều công trình hầm đường bộ đã được xây dựng với quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện như hầm Hải Vân 2, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Núi Vung, hầm Thung Thi, hầm A Roàng, hầm Trường Vinh,...
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại Hội nghị
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ cho Việt Nam thông qua chương trình tín dụng của JICA để xây dựng và chuyển giao công nghệ thi công, quản lý khai thác hầm Hải Vân, hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, cũng như nhiều công trình hầm ở các nút giao khác mức trong và ngoài đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trong các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Về môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ, Thứ trưởng cho rằng thông qua một số các chương trình, đề án đánh giá quan trắc chất lượng môi trường không khí trong một số hầm do Bộ GTVT giao Viện KH&CN GTVT thực hiện cho thấy các thông số bụi tổng, NO2, PM10, PM2,5, Benzen tại một số hầm đang vượt giới hạn quy định so với môi trường không khí xung quanh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết thông số đặc trưng của khí thải hầm - CO đo được tại các hầm vẫn đều nằm trong giới hạn quy định cho môi trường không khí xung quanh. Bộ GTVT đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong hầm như lắp đặt hệ thống quạt thông gió, vệ sinh thông rửa hút bụi bề mặt hầm. Mặc dù chất lượng không khí trong hầm được cải thiện nhưng vẫn cần phải được hết sức quan tâm bởi ngoài chất lượng môi trường còn liên quan tới an toàn cháy nổ trong hầm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá cao việc Viện KH&CN GTVT phối hợp tổ chức Hội nghị
ngày hôm nay là một hành động cụ thể hóa phương châm đổi mới sáng tạo kịp thời hiệu quả
“Từ thực tế của quá trình quản lý, khai thác hầm, tôi đánh giá cao về ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị khoa học hôm nay, mong rằng Hội nghị sẽ tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất được với cơ quan quản lý chuyên ngành các giải pháp tiên tiến và hiệu quả để quản lý chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ. Tôi tin tưởng và hy vọng vào Hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan về chất lượng không khí trong hầm đường bộ hiện nay" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học, các chuyên gia Nhật Bản đã có những hợp tác hiệu quả với Hội KHKT cầu đường Việt nam và đã dành nhiều công sức, tình cảm quan tâm tới sự phát triển của ngành GTVT trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển GTVT.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: Trong thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng đã xây dựng được tiêu chuẩn quản lý chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên chưa có tiêu chuẩn riêng về quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm đường bộ, dó đó thông qua hội nghị ngày hôm nay để các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận những thông tin khoa học và kinh nghiệm liên quan đến các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, phương thức quản lý chất lượng không khí trong hầm đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn hầm đường bộ.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thời gian qua các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm đường bộ, tuy nhiên công tác này chưa được thực hiện đầy đủ, thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhất là về tiêu chuẩn, quy định chất lượng môi trường không khí… xây dựng tiêu chuẩn riêng về quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm đường bộ.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế của Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đưa vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, để ban hành tiêu chuẩn riêng về quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ.
Về quy trình, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá qua công tác quản lý và tình hình thực tế tại đơi vị, Cục đã chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị liên quan, xử lý kịp thời, thực hiện nghiêm túc đúng theo quy định, nên chưa có vấn đề, sự vụ lớn xảy ra trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm đường bộ về quy trình, thủ tục bảo trì, bảo dưỡng, hoàn thiện thêm các quan chắc, an toàn, kể cả tiếp tục hoàn thiện xử lý các tình huống cháy nổ để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Liên quan đến chất lượng không khí, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ngoài việc phải có thiết kế, thiết bị phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, cần phải đầu tư thiết bị hiện đại, ngang tầm với các nước trên thế giới, từ đó tạo môi trường không khí tốt, an toàn; đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và cam kết với Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Quyền Viện trưởng Viện KH&CN GTVT Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội nghị
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện KH&CN GTVT cho biết, thực hiện chương trình hành động của ngành GTVT năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", ngay từ những tháng đầu năm 2023 Viện đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Căn cứ tình hình thực tế, Viện KH&CN GTVT đã đề xuất Bộ GTVT cho phép được phối hợp với Hội KHKT cầu đường Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ ngày hôm nay.
Quyền Viện trưởng Nguyễn Văn Thành cũng nhấn mạnh đến hầm đường bộ là công trình quan trọng trên các tuyến đường; góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn xe chạy, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ về thiết kế, thi công, quản lý khai thác các công trình hầm. Chúng ta đã có nhiều hầm đường bộ hiện đại như hầm Hải Vân, hầm Thủ thiệm, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Núi Vung,….
“Bên cạnh các lợi ích về giao thông, kinh tế, xã hội thì việc kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong hầm là vấn đề quan trọng. Môi trường không khí trong hầm là điểm tập trung cao nồng độ khí thải của phương tiện giao thông, có thể gây ra ô nhiễm không khí do khí thải nếu như không có giải pháp kỹ thuật xử lý phù hợp. Vì vậy, cần có sự quan tâm nghiên cứu đầy đủ về hiện trạng không khí trong hầm cũng như các giải pháp kỹ thuật xử lý phù hợp- Quyền Viện trưởng Nguyễn Văn Thành nói.
Thay mặt lãnh đạo Viện KH&CN GTVT, Quyền Viện trưởng Nguyễn Văn Thành gửi lời cám ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Bộ GTVT đã quan tâm, tạo điều kiện để Viện được phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị này. Đồng thời cám ơn Hội KHKT cầu đường Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị đã hỗ trợ để hội nghị khoa học được tổ chức hôm nay.
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế của
Cục ĐBVN trình bày báo cáo "Chất lượng môi trường không khí hầm đường bộ - Thực trạng và giải pháp"
Tại Hội nghị, có 07 báo cáo được trình bày, trong đó Viện KH&CN GTVT có 02 báo cáo, Cục Đường bộ Việt Nam có 1 báo cáo, Công ty Sohatsu - Nhật Bản 02 báo cáo, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT có 1 báo cáo và Công ty A2Z thuộc Tập đoàn Đèo Cả có 1 báo cáo.
Hội nghị là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận với các đối tác trong và ngoài nước, các đơn vị quản lý bảo trì hầm đường bộ, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các Ban quản lý dự án, các nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật, các doanh nghiệp Tư vấn, các Nhà thầu thi công… những thông tin khoa học và kinh nghiệm liên quan đến sự cần thiết và hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, phương thức quản lý chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả và an toàn khai thác các công trình hầm giao thông đường bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng Lãnh đạo Viện KH&CN GTVT, Cục ĐBVN,
Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và các đại biểu dự Hội nghị KHCN sáng nay (19/5).
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện