Đường Phạm Văn Đồng - đường nội đô đẹp nhất TP Hồ Chí Minh. |
Ngày 3/12, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, liên danh nhà đầu tư tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1, quận Thủ Đức theo hình thức công - tư (hợp đồng BT) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.135 tỷ đồng.
Công trình nhiều ý nghĩa
Theo Quyết định số 6318 ngày 30/11/2015 của UBND TP HCM, phê duyệt kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện, dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 có chiều dài toàn tuyến khoảng 2.751m do liên danh Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - INVEST, Công ty Cổ phần Đầu tư tư vấn xây dựng Bắc Ái làm nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 được phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Trước mắt, trong giai đoạn 1, dự án tiến hành xây dựng mới hai nhánh đường song song hai bên tuyến chính theo quy hoạch, bề rộng mặt đường mỗi nhánh 10,5 m (ba làn xe), đồng thời xây mới ba cầu gồm: Rạch Lùng, Rạch Ông Việt và Rạch Gò Cát, với chiều dài mỗi cầu 79,67 m, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, đèn báo hiệu,… Giai đoạn 2 của dự án, sẽ được thực hiện bằng dự án riêng trong tương lai nhằm xây dựng phần đường chính (8 làn xe) ở giữa, các hạng mục liên quan và hoàn chỉnh mặt cắt ngang theo lộ giới quy hoạch 67 m.
Theo phương án thiết kế, dự án đi qua địa bàn các phường Linh Đông, Tam Phú, Tam Bình (Q Thủ Đức), điểm đầu nối với dự án đường nối Bình Thái - Gò Dưa tại vị trí tiếp giáp với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài; Điểm cuối nối với dự án cầu vượt nút giao thông Gò Dưa. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.135 tỷ đồng, phương án đền bù GPMB, tái định cư được tách thành dự án riêng do UBND quận Thủ Đức tổ chức thực hiện với chi phí ước tính khoảng 1.216 tỷ đồng.
Kết nối các trục giao thông chính
Liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam, đại diện liên danh cho biết, theo thiết kế cơ sở giai đoạn 1, phần đường của dự án được thiết kế với vận tốc 60 km/h, mặt đường bê tông nhựa.
Ngay sau khi động thổ, liên danh nhà đầu tư sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực từ việc huy động tài chính đến máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai thi công các hạng mục của dự án nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo yêu cầu của dự án”. Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốcCông ty CP Đầu tư HNS Việt Nam |
Đối với phần cầu, dự án sẽ xây dựng ba cầu trên hai nhánh tuyến song song và có tim trùng với tim mỗi nhánh đường tại vị trí cắt với các rạch (rạch Lùng, rạch Ông Việt, rạch Gò Cát). Các cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL93, chiều dài mỗi cầu 79,67 m, quy mô mặt cắt ngang một nhánh cầu rộng 13,25 m, trong đó, phần xe chạy rộng 10,5 m, lề bộ hành 1,5 m, lan can hai bên rộng mỗi bên 0,5 m. Bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, có tạo mối liên tục nhiệt. Thời gian thực hiện dự án từ 2015 - 2017.
Đánh giá về ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng dự án, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, dự án sẽ kết nối các trục giao thông chính từ đường Phạm Văn Đồng với QL1, giảm mật độ xe tập trung vào các đường xuyên tâm trong nội đô, từng bước khép kín tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch phát triển GTVT của TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Đặc biệt, việc xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển các dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch”, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện