Siết chặt bảo vệ môi trường, phát triển GTVT bền vững

Thứ hai - 30/11/2015 12:00. Xem: 95
Hệ thống văn bản QPPL về bảo vệ môi trường GTVT đã được xây dựng khá đầy đủ, tuy nhiên để tuân thủ nghiêm tại các công trường, dự án, doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự kiểm tra giám sát quyết liệt…
30
Công tác bảo vệ môi trường trong đó có đóng tàu và phá dỡ tàu cũ được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm

Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước

Là ngành kinh tế - kỹ thuật lớn, các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải, công nghiệp GTVT, đều đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo Vụ trưởng Vụ Môi trường Trần Ánh Dương, công tác BVMT GTVT được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành riêng một chương trình hành động và có các chỉ thị, kế hoạch về BVMT, phát triển bền vững ngành GTVT.

Hệ thống các văn bản QPPL, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn về BVMT dần được hoàn thiện, bao quát hết các lĩnh vực hoạt động GTVT. Trong đó có thể kể tới như: Nghị định 114/ 2014 quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Thông tư 32/2015 quy định về bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Thông tư 33/2015 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Thông tư 53/2012 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng; Thông tư liên tịch 21/2013 hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông ĐTNĐ; Thông tư 56/2013 quy định về việc kiểm tra thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe khách.

Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về BVMT trong lĩnh vực GTVT cũng được hoàn thiện từ Bộ tới các Cục chuyên ngành, các Ban QLDA, Viện, Trường, DN sản xuất. Do đó, việc tư vấn lập báo cáo quan trắc, giám sát môi trường đã có sự phối hợp tốt từ cơ quan quản lý Nhà nước với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngành GTVT. Việc triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công được thực hiện đầy đủ.

Tăng cường ý thức BVMT

Báo cáo của Bộ GTVT về quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước cho thấy, BVMT vì mục tiêu phát triển GTVT bền vững thực sự là thách thức lớn. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có cơ chế đủ mạnh để huy động nguồn lực tài chính, đào tạo cán bộ, đưa ra chế tài đủ sức ngăn chặn hành vi vi phạm. Quan trọng hơn là xây dựng ý thức BVMT trong mọi cá nhân, tập thể hoạt động GTVT.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về cơ chế chính sách BVMT phát triển GTVT bền vững, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều giải pháp như: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, hỗ trợ thử nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ về BVMT cho các DN Nhà nước trong phạm vi quản lý của ngành GTVT từ đường sắt, công nghiệp ô tô, ĐTNĐ, TCT Cảng Hàng không VN, TCT Hàng hải VN... Đây là những đầu mối rất quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác BVMT có hiệu quả và thiết thực; Ban hành chương trình hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở thuộc khu vực công ích; Có cơ chế tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thực hiện tốt công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các giải pháp hỗ trợ môi trường được đề xuất gồm: Bố trí kinh phí bảo vệ môi trường từ nguồn thuế BVMT đối với xăng dầu cho công tác kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông; Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu LPG, CNG; Triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong GTVT nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây