Cùng đi với Thứ trưởng có lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT); Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Ban PPP; các Ban QLDA: 2, An toàn giao thông; Sở GTVT Bắc Giang và Chủ đầu tư hai dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm việc với Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang
Lại Thanh Sơn về hai Dự án Hà Nội - Bắc Giang và Bắc Giang - Lạng Sơn
Theo báo cáo của Ban QLDA An toàn giao thông (Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền), Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn do Liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Cổ phần Đầu tư 468 - Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà (Liên danh BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) thực hiện.
Dự án có hai hợp phần là xây dựng tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 63,86 km và nâng cấp tuyến QL1 có tổng chiều dài khoảng 110,2 km. Dự án có tổng mức đầu tư 12.188.664.005.000 đồng được thực hiện theo hình thức BOT. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn
Về quy mô dự án, tuyến cao tốc được thiết kế theo cấp đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới, tốc độ 100 km/h. Tuyến QL1 giữ nguyên cấp đường, vận tốc thiết kế 60-80 km/h.
Theo đại diện Chủ đầu tư, đến nay Nhà đầu tư đã lập Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và đã gửi công văn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đơn vị tư vấn đã cắm toàn bộ cọc GPMB theo hồ sơ bước dự án đầu tư đoạn tuyến cao tốc. Các huyện Hữu Lũng và Chi Lăng, tỉnh Lạng sơn đã nhận toàn bộ cọc GPMB, riêng huyện
Lạng Giang chưa nhận bàn giao cọc nên phương án đền bù tổng thể chưa được duyệt, công tác đo đạc chưa thực hiện.
Công tác triển khai dự án, Bộ GTVT đã chấp thuận Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 (lựa chọn các đơn vị tư vấn) và phê duyệt Kế hoạch thực hiện dự án tổng thể. Tuyến QL1 đã hoàn thành xong công việc khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; tuyến cao tốc đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường.
Trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp nhiều các vấn đề phát sinh, khó khăn vướng mắc như công tác GPMB; bổ sung hệ thống đường gom dân sinh, cống chui; điều chỉnh vị trí các nút giao…
Dự án Hà Nội - Bắc Giang được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT do Ban QLDA 2 là Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang, đến nay tổng giá trị sản lượng đã hoàn thành đạt 2.516,162 tỉ đồng; Nhà đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng từ các địa phương. Tuy nhiên, toàn tuyến còn vướng mắc mặt bằng tại một số vị trí đường gom, trạm thu phí và nút giao.
Về tình hình triển khai thi công trên tuyến, đến nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Tuy nhiên, còn một số công việc chưa hoàn thành, đang trong quá trình thực hiện như công tác thi công bê tông nhựa các gói thầu XL-05 và XL-11, khắc phục vết nứt dọc đường gói thầu XL-09, trạm thu phí và nhà điều hành, tôn lượn sóng, bó via…
Tuyến Hà Nội - Bắc Giang đang gấp rút hoàn thành trước 31/12
Trong cuộc họp với Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan đến hai dự án trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang giải quyết dứt điểm các tồn tại về GPMB để đảm bảo tiến độ các dự án, riêng dự án Hà Nội - Bắc Giang cần khẩn trương bàn giao mặt bằng để kịp thông xe vào cuối tháng 12 tới.
Về đề xuất, kiến nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chấp thuận phương án đấu nối các khu công nghiệp, trạm dừng nghỉ; điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nút giao; bổ sung cầu vượt qua đường cao tốc trên QL31 vào dự án Bắc Giang - Lạng Sơn…
“Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn là một trong các dự án BOT lớn nhất của ngành GTVT, do đó chất lượng công trình phải được đảm bảo, công tác tổ chức thi công phải khoa học, tuyệt đối an toàn và không bị ùn tắc khi thi công; phải tổ chức nghiệm thu cấp bộ trước khi đưa vào sử dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng trường cho biết thêm.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện