Hệ thống camera giám sát hiện được triển khai trên một số tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm để phát hiện và xử lý vi phạm ATGT (Ảnh chụp trên Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn |
Dự án thí điểm đầu tư “Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm ATGT bằng hình ảnh” (còn gọi là “phạt nguội”) trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai được FPT đề xuất thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, để triển khai vào thực tế vẫn cần tháo gỡ về cơ chế hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Thuê dịch vụ CNTT vẫn vướng
Áp dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT xử lý vi phạm ATGT được đánh giá mang lại nhiều lợi ích, góp phần trực tiếp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, khắc phục được một phần khó khăn về nguồn kinh phí dành cho công tác đảm bảo TTATGT. Việc làm này cũng không dẫn đến nợ công, chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa bên thuê và bên cho thuê trong việc cung cấp dịch vụ công.
Nghị quyết 36a của Chính phủ nêu rõ, sẽ đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... để cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để bảo đảm an ninh thông tin, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được chỉ định thầu; Xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định. |
Thời gian qua, Bộ GTVT đã cho phép triển khai thí điểm dự án ứng dụng hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm trên một số tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm theo mô hình xã hội hóa. Đến nay, hai dự án thí điểm trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) do Công ty Giải pháp công nghệ FPT đầu tư và Pháp Vân - Ninh Bình do Công ty Hanel đầu tư đang được triển khai. Chia sẻ về các dự án này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho biết, Tập đoàn FPT đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống.
“Hiện hệ thống camera giám sát trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được FPT lắp đặt xong. Còn về cơ chế vận hành, cơ chế chính sách để hệ thống này đi vào đời sống sẽ vừa làm vừa tháo gỡ”, ông Thắng nói và giải thích thêm, hình thức thuê dịch vụ CNTT là toàn bộ hệ thống sẽ chạy trên nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ đảm trách mọi khâu từ triển khai dịch vụ, vận hành cho tới bảo trì, bảo dưỡng cho khách hàng. Cơ quan quản lý Nhà nước ký hợp đồng thuê dịch vụ của FPT và sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp, nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác trả tiền thuê dịch vụ hàng tháng.
Đề cập đến tính pháp lý để triển khai cho thuê dịch vụ CNTT, ông Thắng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Trong đó các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói để cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công. “Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phân bổ kinh phí vẫn quen với việc lập dự toán chi đầu tư, mua sắm hơn là dự toán để thuê dịch vụ. Đây là vướng mắc lớn nhất về trình tự thủ tục khi triển khai thực hiện”, ông Thắng nói và cho biết, quy định về nhiệm vụ chi cho thuê dịch vụ CNTT trong mục lục ngân sách Nhà nước hiện chưa đầy đủ. Công tác lập dự toán chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn tới khó khăn trong việc lập và phê duyệt kinh phí thực hiện. Việc trả phí hàng tháng, hàng năm cho thuê các dịch vụ CNTT với chi phí lớn sẽ gặp khó khăn.
3 “đơn thuốc” để gỡ vướng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, giải quyết tất cả các khó khăn, vướng mắc trên cùng lúc sẽ không đủ sức. Nhưng nếu không tìm được lời giải, sẽ chẳng làm được gì. Vấn đề lớn về cơ chế cần giải quyết là khi các doanh nghiệp CNTT lắp ráp hệ thống ATGT, cơ sở pháp lý nào để họ có thể ký được hợp đồng.
Theo ông Bình, trong quá trình triển khai, FPT đã tìm được ba “đơn thuốc”: Thứ nhất là về cơ chế, phải là cơ chế trong Nghị quyết 36a của Chính phủ, có thể triển khai rất nhanh vì nó trao quyền quyết định cho thủ trưởng các cơ quan cấp Bộ. Thứ hai là phải có cách thức “làm trước, gỡ sau”. Thứ ba là cần sự quyết tâm của tất cả các đơn vị có liên quan góp phần giảm thiệt hại 2,9% GDP của đất nước mỗi năm (thiệt hại kinh tế do TNGT).
Giải quyết vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, FPT cần đề xuất xây dựng cơ chế thuê cụ thể thành tiền và tiền đó được đưa vào hạch toán trạm thu phí BOT. Vì Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn là doanh nghiệp nhà nước nên VEC cần có tờ trình Thủ tướng cho phép Bộ GTVT được thuê hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp và VEC cần tính toán tỷ lệ phí cho nhà đầu tư được hưởng bao nhiêu phần trăm từ trạm thu phí đó trong một năm.
“Việc thuê dịch vụ hiện nay Chính phủ đã có chủ trương, sẽ có cơ chế để thu như thế nào. Làm thế nào để đến 1/1/2016 sẽ chính thức “phạt nguội” và thí điểm trong vòng một năm sau đó có tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Đồng thời, khuyến khích FPT sau khi thí điểm thành công sẽ triển khai tiếp các tuyến đường khác và ưu tiên các trạm BOT tư nhân để đơn giản trong hạch toán thu chi. Đi theo hướng thuê dịch vụ là tốt nhất để thành cơ chế chung cho cả nước”, Thứ trưởng Trường khẳng định.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện