|
Thi công mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Ninh Bình |
Giải ngân thần tốc
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng cho biết, trong 7 tháng năm 2014, khối lượng thực hiện toàn ngành ước đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt hơn 57.500 tỷ, bằng 53% so với kế hoạch giao, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2013.
“Với kế hoạch giải ngân nguồn ngân sách Nhà nước đến 31/1/2015, nguồn TPCP và vốn ứng trước kế hoạch đến 31/3/2015, mức giải ngân đạt được hiện nay là phù hợp với tiến độ đề ra. Việc hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2014 (dự kiến 116.749 tỷ) hoàn toàn trong tầm tay”, ông Hoằng nhận định.
Cũng theo ông Hoằng, nếu đạt con số trên, so với kế hoạch 2013, tổng giá trị dự kiến giải ngân năm 2014 sẽ tăng hơn gần 90%. Riêng tại các dự án mở rộng QL1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên, ông Hoằng cho biết, 7 tháng đầu năm đã giải ngân 11.168/17.000 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch. Cụ thể, các dự án QL1 giải ngân 10.509/15.225 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch trong đó, xây lắp và chi khác giải ngân 5.994 tỷ đồng, đạt 65%, GPMB đạt 4.326 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch.
Các dự án đường Hồ Chí Minh giải ngân được 659/1.175 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, trong đó riêng xây lắp và chi khác giải ngân được 547 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch.
“Đến hết tháng 7, phần lớn các dự án đã giải ngân theo kế hoạch được giao tương đối tốt. Hiện nay, đã có một số dự án giải ngân cơ bản hết kế hoạch được giao, đang hết vốn để triển khai thi công, đặc biệt là dự án đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh, các dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam phải hoàn thành vào cuối năm 2014” - ông Hoằng nhận định.
Cũng theo ông Hoằng, Bộ GTVT đã thực hiện điều hòa lần một được 817 tỷ đồng cho nhóm các dự án này và cũng đã trình Chính phủ xin ứng trước kế hoạch 5.205 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành năm 2014 cũng như để hoàn trả lại kế hoạch đã điều hòa của các dự án điều chỉnh giảm.
Về tiến độ triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Trần Xuân Sanh cho biết, đến hết tháng 7/2014, đoạn Thanh Hóa - Nghi Sơn (khởi công từ tháng 4/2013) là dự án có tiến độ thực hiện tốt nhất cho dù khối lượng GPMB khá “đồ sộ”. “Công tác thi công nhiều đoạn, nhiều gói thầu đều tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Riêng đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh phấn đấu sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay”, ông Sanh nói
Với đường HCM, ông Sanh cho biết, các dự án vốn trái phiếu Chính phủ cơ bản đáp ứng tiến độ so với kế hoạch, một số dự án vượt kế hoạch đề ra (đoạn Đắk Lắk, Đắk Nông). Đối với các dự án BOT, chỉ có dự án đoạn qua Đắk Nông vượt tiến độ yêu cầu, các dự án còn lại chậm so với kế hoạch.
Không vì tiến độ giải ngân mà làm ẩu
Bên cạnh nhiều dự án giải ngân tốt, vẫn còn một số dự án mức giải ngân chưa cao (thấp hơn 60% kế hoạch được giao), làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án, gây khó khăn trong việc ứng trước kế hoạch. Những cái tên được ông Hoằng liệt kê gồm: QL1 đoạn Hoàng Mai - Cầu Giát, đoạn Quán Hành - Quán Bánh, đoạn Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa. Tại dự án mở rộng, nâng cấp đường HCM, ông Hoằng cũng chỉ rõ dự án chậm giải ngân là đoạn từ Km1667 - Km1738.
“Các dự án đường HCM mới được giao kế hoạch vốn (như đoạn Cây Chanh - cầu 38, đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, 14 cầu, tuyến tránh Gia Nghĩa) gần như chưa thực hiện giải ngân vì còn đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị” - ông Hoằng bổ sung.
Chỉ đạo công tác giải ngân, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách khi đi kiểm tra tiến độ, chất lượng các dự án phải kiểm tra cả tiến độ giải ngân.
“Phải kiểm tra đột xuất một số dự án cụ thể để tránh tình trạng chủ đầu tư, ban quản lý dự án không ký nghiệm thu thanh toán. Việc thanh toán phải đảm bảo chất lượng, phải có khối lượng thật, đảm bảo quy trình nghiệm thu thanh toán chặt chẽ, không để vì ốp tiến độ giải ngân mà làm ẩu” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn