Tự chủ, tự chịu trách nhiệm là con đường tồn tại duy nhất

Thứ hai - 25/08/2014 13:00. Xem: 94
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP; Đề án xã hội hóa công tác đào tạo của Bộ GTVT 2013-2020 vừa được tổ chức sáng 26/8.

 Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt, đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ và đại diện Ban Giám hiệu các nhà trường thuộc Bộ GTVT đã cùng tham dự buổi làm việc.

Công tác đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ngành và xã hội

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ GTVT Trần Văn Lâm cho biết: Bộ GTVT hiện có tổng số 20 trường trong đó có 11 trường thuộc Bộ, 9 trường thuộc các Tổng cục, Cục, Tổng công ty. Trong đó có 4 trường đại học, học viện, 4 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 7 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề và 1 trường Cán bộ quản lý GTVT. Hiện, năng lực đào tạo của các trường thuộc Bộ GTVT hàng năm khoảng trên 77 ngàn người, về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật trong ngành GTVT và xã hội.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải quyết liệt tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo

Đánh giá việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị định 43 của Chính phủ, ông Lâm cho biết Nghị định 43 đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề nâng cao tính tự chủ, chủ động trong việc xác định nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

“Nghị định này quy định các đơn vị được tự quyết định biên chế và giao cho các đơn vị sự nghiệp quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp (nay là vị trí việc làm và số người làm việc) cho đơn vị (do Bộ Nội vụ quyết định), đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị. Bên cạnh đó, do chưa có các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, vì vậy quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa gắn với hiệu quả và chất lượng công việc để khuyến khích người lao động đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất”, ông Trần Văn Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm cho các trường còn mang tính bình quân, trên cơ sở đầu vào của các trường và khả năng ngân sách nhà nước chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Hàng hải VN; Đại học GTVT TP.HCM; Đại học Công nghệ GTVT… cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị định số 43 của Chính phủ cũng như khả năng và phương hướng để sớm có thể xã hội hóa công tác đào tạo tại các đơn vị của mình.

Phải quyết liệt trong tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình với quan điểm của các cơ quan tham mưu của Bộ cũng như ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt xung quanh vấn đề liệu các Trường có tự chủ được tài chính không; thoát “bầu sữa” bao cấp bằng cách nào để chất lượng đào tạo được nâng lên đáp ứng yêu cầu của xã hội…

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng hết sức chia sẻ với các trường của Bộ GTVT: Mặc dù Chính phủ có Nghị định, Trung ương Đảng có Nghị quyết về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo nhưng rõ ràng chuyển từ nhà nước bao cấp 100% sang tự chủ tự chịu trách nhiệm là vô cùng khó.

Tuy nhiên, việc tự chủ về tài chính của ta còn nhiều bất cập.

“Vấn đề chính là quan điểm, nhận thức, tư tưởng của chúng ta còn bảo thủ, chưa mạnh dạn, chưa quyết liệt trong tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Mấu chốt chính là tư tưởng chưa thoát, vẫn nặng tư tưởng dựa vào nhà nước, hài lòng với những gì mình đang có, chưa có ý chí khát vọng vươn lên, không có ý chí xây dựng thương hiệu mạnh. Thương hiệu của nhà trường phải gắn với thương hiệu của người đứng đầu, của giảng viên”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng Nghị quyết về đẩy mạnh tự chủ tài chính ở các trường ĐH, CĐ của Bộ GTVT. Bên cạnh đó phải đánh giá thực trạng, nhiệm vụ trong thời gian tới, có lộ trình thực hiện rõ ràng; Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện tự chủ như tinh thần của Nghị quyết về CPH DN như việc Bộ GTVT đã làm, đã cổ phần hóa được những doanh nghiệp lớn rất thành công.

“Vấn đề ở chỗ phải đưa ra được cơ chế chính sách, phân cấp triệt để nhưng tăng cường kiểm tra kiểm soát, rà soát lại bộ máy, xây dựng quy trình tuyển chọn, chủ động liên kết quốc tế. Lãnh đạo, Ban Giám hiệu các nhà trường phải luôn xác định tự chủ tự chịu trách nhiệm là con đường tồn tại duy nhất để từ đó có đề án, có đề xuất cơ chế chính sách cụ thể được Bộ phê duyệt và triển khai thực hiện mới có thể xã hội hóa tốt được công tác đào tạo của Bộ GTVT giai đoạn 2013-2020”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây