Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo tại cuộc họp
Thực hiện Quyết định số 3092/QĐ-BGTVT ngày 13/8/2014 của Bộ trưởng Giao thông vận tải về việc chuyển chức năng chủ đầu tư một số dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt, tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo một số nội dung cơ bản và tình hình triển khai của 13 dự án trong danh mục chuyển giao chủ đầu tư về Bộ GTVT, trong đó có 6 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (Cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân; Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2 gồm 56 cầu; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn 2; Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội, giai đoạn 2; Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM; Đường sắt Trảng Bom - Dĩ An, đường sắt Dĩ An - Hòa Hưng) và 7 dự án đang thực hiện đầu tư (Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 2; Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM gồm 44 cầu; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - TPHCM, tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn 1; Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội, giai đoạn 1; Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn 2).
Tại đây, thành viên dự họp đã trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan đến việc chuyển giao các dự án chuẩn bị đầu tư, các dự án đang thực hiện đầu tư, thủ tục bàn giao vốn, công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành và sắp hoàn thành trong năm 2014, công tác nghiệm thu tài sản…
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc chuyển giao này nằm trong lộ trình tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; đổi mới lĩnh vực đường sắt; rà soát các đầu mối, các ban quản lý, tái cơ cấu đầu tư, quản lý đầu tư. Sau khi chuyển các dự án ODA về Bộ sẽ có sự sáp nhập, thống nhất hai Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành một Ban quản lý trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Để triển khai cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giao Vụ Kế hoạch Đầu tư làm đầu mối thường trực tham mưu công tác bàn giao; đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng nguyên tắc: Việc tổ chức bàn giao phải đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm, thời gian, tình hình thực hiện, đảm bảo cho hoạt động quản lý và triển khai thực hiện các dự án này không bị ảnh hưởng, không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ luật pháp quy định; đến khi bàn giao chi tiết phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan bàn giao và cơ quan nhận dự án từ thời điểm chuyển giao trở đi; TCT ĐSVN vẫn phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện các dự án này; TCT phải rà soát lại, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của mình đến khi bàn giao; Ban QLDA vẫn duy trì hoạt động quản lý cho đến khi có quyết định của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng có chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện ngay công tác bàn giao các dự án từ TCT ĐSVN về Bộ GTVT; chậm nhất đến ngày 30/9/2014 thủ tục bàn giao các dự án này phải được hoàn thành.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện