Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đến nay, Dự án đã có tiến bộ trong việc thực hiện. Cụ thể, tiến hành lao lắp được 76 phiến dầm, phối hợp giữa các cơ quan đơn vị thực hiện Dự án đã tốt hơn...
“Tuy nhiên, hiện nay Dự án đã bị vỡ tiến độ tổng thể do chậm trong công tác GPMB và do huy động nhân lực của nhà thầu không kịp thời. Mặt bằng thi công thì có những không đủ nhân lực để thực hiện” - Thứ trưởng nói.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt bám sát các quận, huyện của Hà Nội để làm sao rút ngắn được thời gian GPMB. Ban Quản lý dự án đường sắt phải giao cho một đồng chí phụ trách về công tác này và có báo cáo thường xuyên, kiểm điểm từng tuần một để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thứ trường cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam tập trung chỉ đạo cho Dự án này và cùng các đơn vị liên quan làm sao để có hoàn thành dự toán. Chậm nhất là tuần cuối tháng 6/2014 phải trình được tổng dự toán để tiến hành các công việc tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp Kiểm điểm
tiến độ Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông
Đối với vấn đề thi công Dự án, Thứ trưởng đề nghị, Tổng thầu EPC từ tuần sau phải quay trở lại thi công đồng loạt. Những địa điểm đã có mặt bằng thì phải triển khai thi công hết. Tổng thầu cũng cần đưa nguồn nhân lực sang Việt Nam để làm ngay dự toán. Đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ga và tiến hành thi công đồng loạt tại cả các nhà ga.
Tăng cường nhân lực, thiết bị để bù lại tiến độ bị chậm của Dự án
đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Thiện Anh)
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, đến nay Dự án hoàn thành GPMB được 40,19ha/41,11ha (đạt 97,7%). Hiện tại còn một số khu vực còn vướng mắc, chưa hoàn thành công tác GPMB như khu vực nhà ga Cát Linh, một phần khu vực phường Thịnh Quang (Quận Đống Đa)…. Theo báo cáo của các địa phương dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ công tác GPMB các khu vực còn vướng mắc trong tháng 6/2014 với điều kiện có đủ kinh phí chi trả cho các hộ dân phải di dời và GPMB. Hiện nay, Ban đang phối hợp với các địa phương để giải quyết các phát sinh, vướng mắc để hoàn thành GPMB của Dự án theo yêu cầu.
Đối với công tác hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đã trình, duyệt thiết kế kỹ thuật 419 trụ cầu trên tuyến; KCPD 11 nhà ga; KCPT trên 07 nhà ga; thiết kế kỹ thuật dầm hộp giản đơn, cầu sông Nhuệ; thiết kế kỹ thuật hạng mục điện chiếu sang 11 nhà ga; điều hòa thông gió 11 nhà ga; cấp thoát nước và phòng cháy chữa cháy 11 nhà ga. Tới thời điểm hiện tại còn 57 bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật Tổng thầu chưa trình lại theo ý kiến của Tư vấn thẩm tra để trình Chủ đầu tư phê duyệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Về dự toán, đến thời điểm hiện tại còn 74 bộ hồ sơ dự toán Tổng thầu chưa trình lại
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt có báo cáo tiến độ cụ thể của công tác thi công xây lắp; mua sắm thiết bị, đoàn tàu; đào tạo và chuyển giao công nghệ; giải ngân; lập điều chỉnh Dự án; quản lý tiến độ và quản lý chất lượng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đề nghị Tổng thầu phải huy động lại ngay phương tiện, thiết bị, con người để sẵn sàng thi công.
“Vấn đề thiết kế, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) thẩm tra tổng mức đầu tư còn Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán của Dự án. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là rất quan trọng. Trong khi đó, dự toán lại phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng. Trên cơ sở đó, đề nghị TEDI kiểm tra khối lượng khoảng 2 nhà ga có kết cấu điển hình, dựa vào khối lượng và dự toán của 2 nhà ga này để đưa ra đơn giá tổng hợp áp dụng cho các nhà ga khác. Cũng dựa trên cách tính này đề nghị TEDI cung cấp số liệu cho Tổng thầu, để Tổng thầu lập tất cả các dự toán chi tiết cho các nhà ga khác và khối lượng công việc khác để hoàn thiện tổng dự toán và dự toán xây lắp. Dự toán này sẽ chuyển sang Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng để thẩm tra” - Ông Tuấn Anh đề nghị.
Cũng tại cuộc họp, Tổng thầu của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có báo cáo cụ thể tiến độ thi công của Dự án và kế hoạch triển khai trong tháng 6/2014.
Được biết, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài là 13,08 km, đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP. Hà Nội. Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Dự kiến, tuyến đường sắt này hoàn thành năm 2015.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện