|
Việc xếp hạng toàn diện năng lực nhà thầu sẽ giúp lựa chọn được các nhà thầu phù hợp với từng loại công trình |
Xếp loại hoạt động vẫn chưa toàn diện
Năm 2013, lần đầu tiên Bộ GTVT tiến hành đánh giá, xếp loại các nhà thầu xây lắp các dự án, công trình giao thông. Theo Quyết định 837/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, có tổng số hơn 350 nhà thầu tham gia đánh giá kết quả thực hiện các dự án. Bộ GTVT đã đánh giá các nhà thầu theo 4 mức độ là: Nhà thầu xây lắp đáp ứng vượt yêu cầu; đáp ứng yêu cầu; trung bình và chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiêu chí để xếp loại các nhà thầu chủ yếu dựa trên các nội dung về khả năng huy động thực tế, bao gồm nhân sự và máy móc thiết bị, khả năng đáp ứng tiến độ tổng thể và chi tiết, đáp ứng chất lượng, an toàn lao động, ATGT, phòng chống cháy nổ của gói thầu và khả năng giải quyết các thủ tục thanh, quyết toán, thực hiện bảo hành công trình. Những tiêu chí này khi tiến hành tổng hợp sẽ được đánh giá cụ thể, có sự tham gia ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có cả chủ đầu tư, ban QLDA.
Tuy nhiên, việc chỉ đánh giá xếp loại dựa trên kết quả hoạt động và thực hiện tại các dự án bộc lộ nhiều bất cập, chưa toàn diện và nhận được nhiều ý kiến không đồng nhất của các nhà thầu.
Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc CIENCO4 cho rằng, tiêu chí đánh giá, xếp loại còn nhiều điểm đáng bàn. Chẳng hạn như việc xếp loại kết quả nhưng chưa tính đến quy mô của các dự án, chưa có sự phân biệt giữa nhà thầu lớn với nhà thầu nhỏ. Các công ty con lại xếp ngang hàng với công ty mẹ là không hợp lý.
Theo ông Cấn Hồng Lai - Tổng Giám đốc CIENCO1, tiêu chí xếp loại đánh giá kết quả hoạt động chưa rạch ròi được đâu là lỗi do nhà thầu, đâu là lỗi do chủ đầu tư, hoặc do GPMB chậm trễ của các địa phương. Điều này vô hình trung cứ gói thầu hoặc dự án bị lỗi là nhà thầu phải chịu và đương nhiên không được xếp loại cao. Hơn nữa, nhà thầu lớn làm nhiều sẽ có nguy cơ lỗi nhiều hơn nhà thầu nhỏ làm ít.
Xếp loại năng lực sẽ khác xa
Liên quan đến việc xếp hạng năng lực lần này, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng dự thảo quy định xếp hạng toàn diện năng lực nhà thầu, điều này khác xa so với xếp loại, đánh giá kết quả hoạt động của năm 2013. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực sẽ là cơ sở để Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư, các chủ đầu tư, ban QLDA tham khảo trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, kết quả xếp hạng năng lực là cơ sở để nhà thầu đưa ra những biện pháp kịp thời điều chỉnh, khắc phục thiếu sót, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia các dự án giao thông.
Theo dự thảo của Bộ GTVT, việc đánh giá và xếp hạng năng lực sẽ hướng tới cả các nhà thầu nước ngoài tham gia với tư cách độc lập hoặc liên doanh trong các dự án xây dựng đường bộ, cầu, hầm do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư.
Một điểm khác cơ bản của việc xếp hạng năng lực so với năm 2013 là việc đánh giá nhằm xác định năng lực thực tế của nhà thầu để trên cơ sở đó lựa chọn được các nhà thầu phù hợp với từng loại công trình với quy mô, khả năng tài chính thích hợp. Việc đánh giá năng lực nhà thầu được dựa vào các tiêu chí và được tính điểm để phân loại. Theo đó, các nhà thầu sẽ được phân nhóm dựa trên 2 tiêu chí về năng lực thi công trong thời gian 5 năm liên tiếp, gần nhất với tư cách là nhà thầu chính, độc lập hoặc thành viên liên danh và doanh thu trung bình trong 3 năm liên tiếp. Từ việc phân loại này sẽ hình thành các nhóm nhà thầu được chia ra nhóm khác nhau như: Nhóm có năng lực từ 1.000 tỷ đồng trở lên (nhóm năng lực); nhóm từ 500 - 1.000 tỷ đồng và các nhóm tiếp sau…
Sau khi phân chia các nhóm, đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu được thực hiện dựa vào các tiêu chí cụ thể theo phương pháp chấm điểm của các nhà thầu theo các nhóm khác nhau. Nhà thầu có tổng số điểm cao hơn sẽ được xếp thứ hạng cao hơn. Số điểm sẽ được tích hợp qua các tiêu chí như: Thời gian hoạt động trong ngành Giao thông; Kinh nghiệm thi công công trình giao thông trong 5 năm liên tiếp gần nhất; Năng lực kỹ thuật; Năng lực tài chính trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
Kết quả xếp loại cần tính điểm khi đấu thầu
Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc này, lãnh đạo nhiều nhà thầu xây lắp đều bày tỏ sự đồng tình cao. Ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty Phương Thành Tranconsin cho biết, việc đánh giá xếp loại năng lực dựa trên các tiêu chí toàn diện về năng lực tài chính, thi công và theo từng nhóm trên mới tránh được tình trạng lộn xộn, loại trừ được việc xin - cho các dự án giao thông. Thực tế những năm qua vẫn còn tình trạng những nhà thầu yếu nhưng cố xin dự án để thi công. Khi đánh giá, xếp loại không toàn diện có thể đứng cùng hàng với cả các thương hiệu và uy tín cả chục năm trong ngành GTVT.
Theo ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc CIENCO4, nhà thầu chỉ mong muốn các tiêu chí xếp hạng năng lực phải sát với thực tế, phản ánh đúng năng lực, giá trị thương hiệu để doanh nghiệp có động lực làm tốt hơn. Hơn nữa, khi đã đánh giá, xếp loại phải áp dụng triệt để vào thực tế. Kết quả đánh giá phải được xem xét tính điểm để đánh giá năng lực khi chấm thầu các dự án giao thông. Nếu làm được điều này sẽ khiến môi trường đầu tư xây dựng giao thông trở nên minh bạch và loại bỏ được tiêu cực.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn