Khẩn trương khắc phục hằn lún vệt bánh xe

Thứ tư - 04/06/2014 13:00. Xem: 143
Ngày 4/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Văn bản 6495 BGTVT-CQLXD yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe sau khi đưa công trình vào khai thác.

 

Cienco 4 đang triển khai nhiều giải pháp để chống hằn lún tại dự án mở rộng QL1 đoạn Vinh - Hà Tĩnh
Cienco 4 đang triển khai nhiều giải pháp để chống hằn lún tại dự án mở rộng QL1 đoạn Vinh - Hà Tĩnh

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào

Văn bản nêu rõ, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) đối với mặt đường bê tông nhựa đã được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm và tổ chức nhiều cuộc họp để các chuyên gia, đơn vị thảo luận tại nhiều hội thảo, nghiên cứu, báo cáo nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đồng thời, Bộ cũng áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên kết quả thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Để có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng HLVBX, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà đầu tư, tư vấn, nhà thầu và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện để khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe bằng cách tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào. Trong đó, tất cả các loại vật liệu phải được kiểm soát ngay tại mỏ, nếu không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu tuyệt đối không được đưa vào công trường.

Các đơn vị tư vấn giám sát phải bố trí kỹ sư vật liệu có kinh nghiệm kiểm tra, kiểm soát, giám sát vật liệu từ mỏ, trạm trộn... Kỹ sư vật liệu nào được phân công theo dõi dự án để vật liệu không đảm bảo quy cách, chất lượng vào công trường, kỹ sư đó phải bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc và cấm không được hành nghề theo quy định. Các đơn vị thi công phải bố trí các cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về bê tông nhựa để hướng dẫn, chỉ đạo thi công bê tông nhựa, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào tại trạm trộn, đảm bảo đúng công thức phối trộn.

Các đơn vị kiểm định độc lập quản chặt vật liệu đầu vào, thực hiện đầy đủ các thí nghiệm theo qui định ngay từ giai đoạn đầu. Kiểm soát chặt chẽ các vật liệu (nhựa đường, đá dăm, cát, bột khoáng,...) về số lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, các chứng nhận chứng chỉ về chất lượng của nhà sản xuất, các thông số kỹ thuật theo qui định của thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án. Kiểm soát chặt chẽ thành phần hạt, tỷ lệ phối trộn, hàm lượng nhựa, bột đá, bột khoáng, ... đảm bảo cốt liệu sau khi được phối trộn phân tích mẫu hoàn toàn nằm trong biểu đồ thiết kế cấp phối cho phép.

Bộ trưởng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu đầu vào tại các dự án
Bộ trưởng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu đầu vào tại các dự án

Những thiết bị quá thời gian 7 năm không đảm bảo chất lượng, không cho sử dụng. Tư vấn giám sát phải bố trí các kỹ sư để giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng của các trạm trộn bê tông nhựa, bao gồm hệ thống cân đong, đo, đếm, kiểm soát nhiệt độ, hệ thống cấp bột khoáng và hệ thống lọc bụi.... đảm bảo sự làm việc, kiểm soát tốt nhiệt độ, tỷ lệ phối trộn cát, đá, bột khoáng và hàm lượng nhựa theo thiết kế. Kiểm tra việc huy động máy móc, thiết bị thi công bê tông nhựa ngoài hiện trường, phải phù hợp với qui mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án và tuân thủ các qui định trong hợp đồng đã ký kết. Trường hợp các máy rải bê tông nhựa, hệ thống máy lu... không đảm bảo theo yêu cầu, phải loại ra khỏi công trường và yêu cầu nhà thầu thay thế bằng máy khác đáp ứng được các yêu cầu; Máy thảm BTN phải còn đầy đủ các bộ phận như giao chặt, thiết bị đốt nóng bàn ép, các sensor, mắt thần,... nếu thiếu một trong các thiết bị đó, yêu cầu nhà thầu phải thay thế bằng máy khác; Bố trí đúng chủng loại, số lượng lu,... phù hợp với dây chuyền thi công bê tông nhựa theo quy định.

Nhà thầu phụ không được thi công các hạng mục chính

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu để đảm bảo chất lượng, các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà đầu tư giám sát chặt chẽ các nhà thầu chính, không cho phép các nhà thầu chính thuê các nhà thầu phụ thi công các hạng mục chính của công trình.

Về việc tổ chức thực hiện, Bộ trưởng yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GTVT, Tổng cục, Cục, Vụ, Ban QLDA, Sở GTVT, Viện, Trường, các Tổng công ty, Công ty, Đội trưởng,... phải ý thức trách nhiệm của mình đối với chất lượng công trình nói chung và chất lượng mặt đường BTN nói riêng. Nếu không đảm bảo chất lượng công trình phải kiên quyết xử lý ngay, tuyệt đối không được vì lý do tiến độ mà làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Bộ trưởng cũng giao Ban QLDA là cơ quan đại diện chủ đầu tư, trực tiếp điều hành TVGS, nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo chất lượng công trình phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng về các sai sót để TVGS và nhà thầu đưa vào công trường các máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu không đảm bảo qui cách, chất lượng. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các cá nhân đơn vị sai phạm, để xảy ra chất lượng công trình kém đều bị xử lý nghiêm
Các cá nhân đơn vị sai phạm, để xảy ra chất lượng công trình kém đều bị xử lý nghiêm (Ảnh báo Quảng Ninh)

Đình chỉ thi công đơn vị, cá nhân không tuân thủ

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thường xuyên kiểm tra các công trường, nếu phát hiện có những vi phạm nêu trên của Ban QLDA, TVGS, nhà thầu được quyền xử lý tại chỗ việc đình chỉ thi công hoặc đuổi ra khỏi công trường các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các qui định về quản lý chất lượng, thi công của dự án.

Bộ trưởng giao Vụ KHCN chủ trì phối hợp với Viện KHCN, TEDI rà soát toàn bộ các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến việc thiết kế, thi công, nghiệm thu mặt đường BTN để phát hiện các điểm chưa phù hợp, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục bằng được hiện tượng HLVBX. Các quy trình tiêu chuẩn phải có sự kế thừa kết quả nghiên cứu từ trước song cũng phải phù hợp với các đặc thù của Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tình hình giao thông,…. Trường hợp cần thiết có thể thi công thử nghiệm một số loại mặt đường BTN, từ đó tổng kết, đề xuất lựa chọn phương án hợp lý, đồng thời đưa ra các giải pháp để kiểm soát chất lượng thi công bê tông nhựa, từng bước khắc phục triệt để hiện tượng HLVBX. Tổng cục Đường bộ VN, các Sở GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng các địa phương thực hiện nghiêm túc vấn đề kiểm soát tải trọng trục xe, ngăn ngừa tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường bộ.

Thanh tra Bộ tham mưu lãnh đạo Bộ, thành lập Tổ công tác thanh tra chất lượng, do Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ KHCN, Viện KH&CN là thành viên để tổng kiểm tra lại toàn bộ quá trình thực hiện từ chuẩn bị vật liệu đầu vào đến hệ thống KCS tại các vị trí thi công, trạm trộn bê tông nhựa, máy rải bê tông nhựa, hệ thống máy lu, thiết kế mẫu BTN, thí nghiệm đối chứng ngoài hiện trường, thí nghiệm HLVBX, … của chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà đầu tư, tư vấn, nhà thầu tại dự án QL1 và QL14.

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây