Ban Cán sự đảng Bộ GTVT họp bàn nhiều vấn đề quan trọng

Thứ năm - 15/05/2014 13:00. Xem: 103
Trong ngày làm việc 15/5, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp Ban Cán sự. Các đồng chí thành viên Ban Cán sự, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT đã tham gia ý kiến nhằm rà soát, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của Ngành như công tác xây dựng Văn bản QPPL và các Đề án; Tiến độ QL1 và Đường HCM; Đề án tái cơ cấu Ngành; Góp ý xây dựng Báo cáo 3 năm thực hiện NQ Đại hội XI; Báo cáo thực hiện NQ 13-NQ/TW…

 

Nhiều nội dung quan trọng của Ngành được Ban Cán sự đảng Bộ GTVT rà soát, quyết định hướng giải quyết

Tại cuộc họp, báo cáo công tác xây dựng văn bản QPPL, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GTVT Hồ Hữu Hòa cho biết từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch. Đặc biệt, thực hiện chủ đề siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, siết chặt hoạt động các BQL dự án, các đơn vị đã nỗ lực hoàn thiện các VBQPPL liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Hệ thống hóa văn bản QPPL, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát là 846 văn bản, công bố hết 462 văn bản, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 76 văn bản”, ông Hòa cho biết.

Liên quan đến tình hình xây dựng, phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác, Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT Phạm Thị Phượng cho biết trong tháng 5, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ 2 Đề án quan trọng là Đề án tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT và Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải và công nghệ thông tin ngành hàng hải đến năm 2020, định hướng sau năm 2020.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT cũng sẽ phê duyệt 3 Đề án gồm Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; Đề án Đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp TKCN hàng hải tại VN và đề án Nâng cao năng lực công tác quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch GTVT.

Cũng trong tháng 5, ngoài 2 đề án đã trình là Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt VN, Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động và phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, theo kế hoạch, các cơ quan trực thuộc sẽ phải trình Bộ 3 đề án khác gồm Đề án tổng thể về đầu tư kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc mở đường bay hàng không dân sự ra quần đảo Trường Sa; Đề án Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai; Đề án Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Vinh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nhận xét về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh việc các cơ quan, đơn vị của Bộ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng VBQPPL chứng tỏ nhận thức của các đơn vị về vấn đề đặc biệt quan trọng này đã được nâng lên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng lưu ý các đơn vị phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng văn bản, nhất là tính phù hợp với tình hình thực tế để VBQPPL có thể đi vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thuận lợi cho người dân.

Cũng trong ngày làm việc 15/5, báo cáo tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn TPCP, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Trần Xuân Sanh cho biết: Trên QL1, đã triển khai thi công 19/19 dự án với tất cả các gói thầu. Hiện tại, trên công trường có 397 mũi thi công trên tổng số 448 mũi thi công theo kế hoạch. Tổng giá trị sản lượng đạt hơn 3.600 tỷ (tương đương 18,92%), chậm 4,29% so với kế hoạch.

Trên đường Hồ Chí Minh, tiến độ các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, gói 1 Đăk Nông (Công ty Băng Dương), gói 4 Đăk Lăk (Công ty Hoàng Lộc) đã thi công thảm lớp bê tông nhựa. Giá trị sản lượng đạt hơn 364 tỷ (tương đương 10,98%), chậm 0,16% so với kế hoạch. Một số nhà thầu có giá trị sản lượng cao như Công ty Hoàng Lộc – Công ty 482 (gói 4), Công ty TNHH MTV 145 và Công ty XDPT Nông thôn (gói 5), Công ty Đại Cường (gói 3) tại dự án đoạn Đăk Lăk; Công ty Băng Dương, Tập đoàn Phúc Lộc, TCT XD Trường Sơn – Công ty 470, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường tại dự án Đăk Nông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai quyết liệt dự án, tận dụng được khi thời tiết còn đang thuận lợi.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đ/c Thứ trưởng phụ trách dự án phải trực tiếp làm việc với từng địa phương cả về GPMB và nguồn nguyên liệu, từ đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đồng thời kiểm soát chặt chẽ từng đồng vốn, đảm bảo vốn chắc chắn vào công trình.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các Ban QLDA, phải có quyết định cắt bớt khối lượng, thay thế các nhà thầu, các Ban QLDA yếu kém, không đủ năng lực. Cùng đó, phải chấn chỉnh ngay tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Không để tiêu cực của ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự án.

Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, các đồng chí thành viên Ban cán sự cùng đại biểu các cơ quan, đơn vị Ngành GTVT đã góp ý vào Dự thảo Đề án tái cơ cấu Ngành; Góp ý xây dựng Báo cáo 3 năm thực hiện NQ Đại hội XI; Báo cáo thực hiện NQ 13-NQ/TW.

Về Đề án tái cơ cấu Ngành GTVT đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đáp ứng phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020, sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự cuộc họp, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư - đơn vị chủ trì xây dựng Đề án tái cơ cấu Ngành GTVT tiếp thu ý kiến đóng góp cụ thể vào Dự thảo để hoàn thiện Đề án, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng khẳng định việc xây dựng Đề án tái cơ cấu Ngành GTVT là yêu cầu khách quan, tất yếu để tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, trong đó có GTVT. Cơ quan xây dựng cần phân biệt, đề án tái cơ cấu ngành với chiến lược phát triển kinh tế Ngành để xây dựng Đề án đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của Ngành và đất nước nhằm đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng yêu cầu tên Đề án sẽ là Đề án tái cơ cấu Ngành GTVT đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đáp ứng phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, về bố cục, Bộ trưởng yêu cầu Đề án phải chia thành các phần nêu bật được thực trạng Ngành GTVT trước năm 2011, kết quả thực hiện 3 năm tái cơ cấu và tiếp tục tái cơ cấu Ngành GTVT 2014-2020. Trong đó, về nội dung phải nêu rõ thể chế chính sách có gì mới; Kết quả tái cơ cấu đầu tư công và công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thu được những kết quả như thế nào? Tiến độ, chất lượng công trình giao thông đã đạt được kết quả ra sao? Đề án cũng cần nêu rõ bài học kinh nghiệm việc TT ATGT được đảm bảo, 3 năm giảm liên tiếp cả 3 chỉ tiêu; Bộ mặt giao thông của Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã có nhiều chuyển biến, kiểm soát, kiềm chế được ùn tắc.

Bên cạnh đó, Đề án phải nêu được việc tiết giảm chi phí, những bài học thành công cũng như những nguyên nhân tồn tại. Trong giai đoạn 2014-2020, Đề án phải nêu rõ được quan điểm phát triển, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành phải đạt được cụ thể là về việc đảm bảo TTATGT; tiếp tục đẩy mạnh chất lượng, tiến độ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, vận tải... Các giải pháp thực hiện phải hết sức cụ thể.. Trong đó có nhiệm vụ và giải pháp cũng như phương pháp tổ chức thực hiện, vai trò của KHCN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành…

“Đề nghị Vụ KHĐT tiếp tục nhận đóng góp để xây dựng, hoàn thiện Đề án bởi Đề án là căn cứ để thực hiện những đột phá của Ngành GTVT nhằm mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của nhân dân về Ngành một cách thiết thực, hiệu quả nhất, nhằm đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Bộ trưởng yêu cầu.

Nguồn: mt.gov.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây