Vốn khủng sẽ tiếp tục đổ vào giao thông

Chủ nhật - 07/12/2014 12:00. Xem: 132
Không dừng lại ở con số khoảng 160 nghìn tỷ đồng, dự kiến những năm tới, ngành GTVT sẽ còn thu hút thêm nhiều nguồn vốn khổng lồ ngoài ngân sách cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

 
Kết quả huy động vốn xã hội hóa cho các dự án giao thông từ 2012 - 2014 và dự kiến cho các năm từ 2015 - 2020Đồ họa: Nguyễn Tường
Kết quả huy động vốn xã hội hóa cho các dự án giao thông từ 2012 - 2014 và dự kiến cho các năm từ 2015 - 2020

Một năm bằng mấy chục năm cộng lại 

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công, tư (PPP), đến nay, Bộ GTVT đã huy động được 65 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư lên tới khoảng 160 nghìn tỷ đồng. 

“Bắt đầu từ năm 2013, công tác huy động vốn từ xã hội hóa của ngành GTVT mới có sự đột phá lớn. Chỉ riêng năm 2013 đã huy động được 24 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, tính đến hết tháng 10 là 19 dự án với tổng mức đầu tư 37.572 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2014 sẽ có thêm năm dự án nữa, nâng số vốn thu hút trong năm nay lên 42.572 tỷ đồng”, ông Huy cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, đầu tư các công trình giao thông bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ bớt gánh nặng cho ngân sách và giảm nợ công. Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo, năm 2014 chỉ phát hành khoảng hơn 200 nghìn tỷ để đầu tư. Với 160 nghìn tỷ mà Bộ GTVT huy động là không thể ý nghĩa hơn. Theo tính toán, số vốn đó chiếm tới khoảng 64% so với các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách, ODA vào giao thông.
 
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi trong những năm qua, cả vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ gộp lại hàng năm cấp cho ngành GTVT cũng chỉ khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng, bằng nửa nhu cầu. Do thiếu vốn đối ứng, ảnh hưởng lớn đến công tác GPMB và thi công các dự án. Tình trạng năm trước phải ứng vốn của năm sau để “ăn đong” đã diễn ra suốt hàng chục năm qua. Vốn liếng thiếu hụt nên bình quân mỗi năm mức giải ngân của ngành GTVT chỉ khiêm tốn ở mức trên dưới 50 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do thu hút hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa, dự kiến mức giải ngân năm nay có thể đạt ngưỡng kỷ lục 100 nghìn tỷ đồng. 

“Có được kết quả đó là sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành GTVT. Lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng coi việc thu hút vốn ngoài ngân sách là cơ hội có một không hai và tìm mọi cách tháo gỡ tối đa về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhiều dự án còn khởi công trước khi có giấy phép đầu tư”, ông Sanh nói. 
 
Việc chuyển nhượng quyền khai thác các công trình đường cao tốc đã hoàn thành sẽ giúp có thêm kinh phí để đầu tư những dự án giao thông khác Ảnh: Tiến Mạnh
Việc chuyển nhượng quyền khai thác các công trình đường cao tốc đã hoàn thành sẽ giúp có thêm kinh phí để đầu tư những dự án giao thông khác

Ngày càng hút nhà đầu tư 

Ông Phạm Văn Khôi,  Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin, một trong 3 nhà đầu tư dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ lên chuẩn cao tốc cho biết, chủ trương xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT đã tạo ra hiệu quả to lớn và tạo nên luồng gió mới cho các nhà đầu tư. Trước đây, rất ít nhà đầu tư quan tâm đến các dự án giao thông vì nguồn vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn quá lâu. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi dự án thường có nhiều nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) cùng đăng ký, nên có sự cạnh tranh rất lớn. Để được chọn, nhà đầu tư phải thực sự có năng lực, tiềm lực tài chính đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng.
 
Để kịp thời tháo gỡ về cơ chế chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn từ xã hội hóa, dự kiến ngày 12/12 tới đây, Bộ GTVT sẽ giao cho Báo Giao thông tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành như: GTVT, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,… nhiều tổ chức, nhà tài trợ, ngân hàng thương mại, nhà đầu tư, nhà thầu, chuyên gia tài chính trong và ngoài nước. Mục đích của cuộc hội thảo là cùng các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia trong và ngoài ngành GTVT đưa ra các giải pháp về thể chế, chính sách, thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là các lĩnh vực ngoài đường bộ.

“Đơn cử như dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngay khi được lựa chọn làm nhà đầu tư, liên danh Công ty Đầu tư xây dựng Minh Phát - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1)  và Phương Thành Tranconsin nhanh chóng huy động đủ vốn chủ sở hữu, đóng góp vào dự án. Vì đây là công trình cửa ngõ phía Nam của Thủ đô,  có lưu lượng phương tiện lớn nên nhà đầu tư cũng phải bố trí một lực lượng nhân lực, máy móc hùng hậu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đúng yêu cầu thông xe vào tháng 6/2015 của Bộ GTVT”, ông Khôi chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho biết đầu tư vào các dự án xã hội hóa giao thông là lựa chọn mang tính chiến lược trong những năm tới của Cienco 4.

Minh chứng cho chủ trương xã hội hóa giao thông ngày càng hút nhà đầu tư là việc nhiều dự án giao thông trong một thời gian dài “ế”, không kiếm nổi một nhà đầu tư thì nay đắt như tôm tươi. Tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt, dù nằm trên tuyến huyết mạch quốc gia nhưng mất nhiều năm loay hoay tìm kiếm nguồn vốn. Giờ với chủ trương xã hội hóa đã có không ít nhà đầu tư quan tâm, chỉ một thời gian ngắn nữa có thể khởi công. Tương tự là đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận cũng có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia. Tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đi qua một trong những địa phương thuộc diện nghèo nhất nước, lưu lượng phương tiện thấp nhưng vẫn kêu gọi vốn thành công và đã được khởi công xây dựng. 
 
Nguồn vốn khổng lồ sẽ đầu tư vào giao thông

Với việc các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các dự án giao thông, dự kiến thời gian tới nguồn vốn xã hội hóa đổ vào lĩnh vực này còn lớn hơn nhiều. Theo ông Nguyễn Viết Huy, năm 2015 số vốn ngoài ngân sách huy động được sẽ còn cao hơn năm 2014, ở mức khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn từ 2016-2020 sẽ có một nguồn vốn khổng lồ lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. 

“Dòng vốn xã hội hóa chắc chắn sẽ đổ vào giao thông nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới, do chính sách thu hút vốn ngày càng cởi mở, hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm đầu tư vào các dự án giao thông”, ông Phạm Văn Khôi nói. 

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cũng cho biết, đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu chiến lược mà VietinBank lựa chọn. Hiện nay, VietinBank đang tài trợ vốn cho nhiều dự án xã hội hóa của ngành GTVT, không chỉ ở đường bộ mà còn nhiều lĩnh vực khác như: Hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải. 

Để thu hút thêm nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa, tới đây, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Theo ông Trần Xuân Sanh, chế tài quản lý của cơ quan Nhà nước đang chi phối bởi Nghị định 108. Tuy nhiên, Nghị định này còn bộc lộ một số bất cập, Bộ GTVT sẽ rốt ráo làm việc với các cơ quan chức năng để bổ sung, sửa đổi cho hợp lý.

Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng và thu phí. Khi trả lời chất vấn các ĐB Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định đây là giải pháp đột phá để có thêm nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa đầu tư cho giao thông thời gian tới. “Đường cao tốc đã hoàn thành xong 524 km, nếu chúng ta chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ có khoản tiền này để làm 500 km theo hình thức cuốn chiếu nữa là đặc biệt có ý nghĩa”, Bộ trưởng Thăng nói.
Nguồn:giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây