Thông tin với Tiền Phong sáng qua, đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, sau khi báo nêu sự việc trên, Cục đã cử đại diện đi kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án (QLDA) hạ tầng Tả Ngạn, TP Hà Nội báo cáo sự việc. “Sáng 15/12, ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn đã ký văn bản số 829/BQLTN-DA1 giải trình với Cục về sự việc này”, đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, nói.
“Chưa làm khe co giãn mà đã thông xe là sai kỹ thuật, bản chất của việc này là chạy tiến độ. Về chuyên môn tôi khẳng định 100% là sai. Hơn nữa đây là việc làm coi thường người dân, lãnh đạo”.
PGS.TS Nguyễn Quang Đạo
Trong văn bản giải trình, Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn cho rằng, theo đề xuất của nhà thầu, tư vấn giám sát đã đồng ý thi công khe co giãn bằng việc sử dụng tạm bao tải cát, tấm ngăn bằng ván gỗ ép để chèn tạm vào vị trí co giãn sau đó thảm lớp bê tông nóng chảy 12.5 lên trên. Về việc khắc phục, Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn cho biết, hiện đơn vị thi công sẽ tiến hành cắt bỏ lớp bê tông nóng chảy 12.5 tại vị trí khe co giãn trên cầu, đào bỏ bao tải cát và tấm ngăn, tiến hành vệ sinh lại lớp cốt thép và thi công lắp đặt khe co giãn cho các cầu, đảm bảo đúng trình tự, yêu cầu kỹ thuật.
Coi thường người dân, lãnh đạo
Nói về việc thông Đường 5 kéo dài và sự cố mặt cầu trơ lõi gỗ ép, nhiều chuyên gia giao thông, nhà quản lý cho rằng, một công trình được thông xe phải hoàn thành tất cả các hạng mục. Với dự án Đường 5 kéo dài, ngoài phần đường, dự án còn có 3 cầu vượt, gồm Đông Trù, Ngũ Huyện Khê, Phương Trạch, do vậy việc lắp đặt thi công khe co giãn cũng là một hạng mục của dự án. Tuy nhiên khi thông tuyến đường này, 2/3 số cầu vượt trên vẫn chưa làm khe co giãn, có nghĩa theo quy định đến nay dự án này vẫn chưa thể thông xe. “Chưa làm khe co giãn mà đã thông xe là sai kỹ thuật, bản chất của việc này là chạy tiến độ. Về chuyên môn tôi khẳng định 100% là sai. Hơn nữa đây là việc làm coi thường người dân, lãnh đạo”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, ĐH Xây dựng nhấn mạnh.
Theo ông Đạo, khe co giãn là khe liên kết giữa hai nhịp cầu, có ảnh hưởng lớn đến độ an toàn của người tham gia giao thông, tuổi thọ cầu. Việc 2/3 số cầu có khe co giãn làm bằng gỗ ép, bao tải cát là không thể chấp nhận được.
Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho rằng, công trình thông xe phải đảm bảo tối thiểu hai vấn đề: an toàn cho người sử dụng và đạt chất lượng công trình. Việc mặt đường qua các khe co giãn cầu vượt trên tuyến Đường 5 kéo dài bị trơ lõi gỗ ép như vậy liệu có đảm bảo an toàn cho người qua lại; mặt đường sau hơn 2 tháng thông xe đã phải đào lên làm khe co giãn đã đạt chất lượng? “Nhà thầu, chủ đầu tư và cả tư vấn giám sát dự án phải chịu trách nhiệm về việc này”, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nhấn mạnh.
Tuy đã thông xe 2 tháng nhưng chiều qua đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, do nhiều hạng mục của tuyến Đường 5 kéo dài thi công, sửa chữa chưa xong nên Sở GTVT chưa nhận bàn giao.
Nguồn: tienphong.vn