Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cảm ơn Bộ trưởng Đinh La Thăng thời gian qua đã dành nhiều quan tâm cho đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Hiện QL1 đi qua địa bàn Ninh Thuận đang thực hiện đầu tư với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có chiều dài 17,4km, thực hiện bằng vốn trái phiếu Chính phủ, đang triển khai rất tốt. Tỉnh đã hoàn thành bồi thường hỗ trợ cho dân và GPMB bàn giao cho đơn vị thi công.
Giai đoạn 2, đầu tư mở rộng các đoạn khu vực Ninh Phước đến giáp Khánh Hòa bằng vốn BOT, có tổng chiều dài 36,8km. Dự án đi qua 4 huyện và 1 thị trấn. Tỉnh đã trả tạm ứng 90% tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng 21km (đạt trên 57%) cho nhà đầu tư thi công dự án.
Dự án giai đoạn 2 đầu tư QL1 qua Ninh Thuận mới bàn giao cho nhà đầu tư được hơn 50% mặt bằng |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư vào tổng mức đầu tư BOT; Bổ sung kinh phí di dời hệ thống cấp nước vào tổng mức đầu tư BOT và chỉ đạo nhà đầu tư tạm ứng vốn để kịp thời trả tiền bồi thường GPMB.
Đối với dự án QL27 đã triển khai từ lâu, hiện công tác bồi thường GPMB còn vướng đoạn 12,9km/66,3km toàn dự án, ảnh hưởng đến tham gia giao thông của người dân. Tổng kinh phí mới được cấp cho GPMB là 103/126,5 tỉ đồng. Ninh Thuận kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn thi công phần còn lại trong 2015 và cấp đủ kinh phí bồi thường GPMB.
Với dự án nâng cấp cảng Ninh Chữ, Ninh Thuận đang chỉ đạo doanh nghiệp tư vấn khảo sát để đầu tư thành cảng tổng hợp đầu mối xuất nhập khẩu của địa phương, đón tàu 2.000 tấn, trong bối cảnh nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đang tăng cao phục vụ khởi công nhà máy điện hạt nhân.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, với các dự án đầu tư QL1 không chỉ đầu tư trên địa bàn Ninh Thuận, mà đi qua nhiều địa phương, chính sách chế độ áp dụng thống nhất trên toàn dự án. Vốn bồi thường GPMB, Bộ GTVT đồng ý đưa vào tổng mức đầu tư dự án BOT, xong tỉnh phải rà soát lại đưa về mức quy định chung, hiện mức đề xuất hỗ trợ của Ninh Thuận cao hơn các tỉnh lân cận, sẽ làm tăng mức đầu tư, khó hoàn vốn dự án.
Việc hỗ trợ bổ sung di dời và đầu tư hệ thống cấp nước của dự án cũng phải theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đơn vị chủ quản phải bỏ kinh phí di dời, khó khăn địa phương phải hỗ trợ. Nếu địa phương không thể hỗ trợ được phải báo cáo Thủ tướng chính phủ, không đưa vào dự án. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Ninh Thuận đẩy nhanh công tác GPMB để thi công dự án QL1 kịp tiến độ chung, hoàn thành cuối năm 2015.
Với QL27, Bộ trưởng cho đây là dự án rất cần thiết. “Tôi đã trực tiếp đi khảo sát, làm việc với 3 đời Bí thư Ninh Thuận rồi, song tỉnh không GPMB được, nên phải báo cáo Thủ tướng cho điều chuyển kinh phí GPMB 12,9km đó ra khỏi dự án. Nay Bộ GTVT đồng ý cho tiếp tục đầu tư, đưa vào kế hoạch 2016-2020, song tỉnh phải cam kết GPMB được", Bộ trưởng nói.
Với cảng Ninh Chữ, Bộ trưởng ủng hộ chủ trương của Ninh Thuận, song theo Bộ trưởng, Ninh Chữ đã được quy hoạch là cảng tổng hợp có công suất từ 5.000 đến 10.000T/năm. Tỉnh nên nghiên cứu, đầu tư công xuất 10.000T, đặc biệt khi nhà máy điện Ninh Thuận vào hoạt động và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, nếu không khi phải thay đổi quy mô sẽ rất lãng phí.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện