Dừng tôn cao mặt đường Pháp Vân – Cầu Giẽ bằng cấp phối đá dăm

Chủ nhật - 14/12/2014 12:00. Xem: 133
Đây là khẳng định của ông Vũ Xuân Hòa - Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long tại cuộc họp báo liên quan đến dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chiều ngày 12/12.

 

Ông Vũ Xuân Hòa phát biểu tại buổi họp báo
Ông Vũ Xuân Hòa trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo

Nhà thầu chậm xử lý môi trường, không đảm bảo an toàn sẽ không được thi công

Theo ông Phạm Thanh Bình, Phó TGĐ Ban QLDA Thăng Long, nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ là dự án đặc thù vừa thi công, vừa khai thác, đồng thời, phải đảm bảo giao thông và vệ sinh môi trường. Do đó, trong quá trình thực hiện, dự án đã gây ra một số khó khăn, hạn chế cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Để khắc phục những tồn tại và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, ATGT và vệ sinh môi trường, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long phải dừng ngay việc tôn cao mặt đường cũ bằng lớp cấp phối đá dăm, thay thế bằng lớp bê tông nhựa rỗng.

“Các đoạn đã thi công lớp cấp phối đá dăm, Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu khẩn trương cào bóc và làm lại bằng kết cấu mới, bù vênh, tăng cường bằng lớp bê tông nhựa rỗng. Tiến độ hoàn thành trước 15/12/2014”, ông Bình thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát lập bình đồ tổng thể cho toàn dự án, trên bình đồ đánh số các mũi thi công, theo dây chuyền chuyên nghiệp,… trên cơ sở đó cắt dải phân cách ở giữa, mở làn ngược chiều, bố trí thi công so le nhau đề phòng khi có ùn tắc thì bố trí điều tiết giao thông ngay, đảm bảo không gây ùn tắc kéo dài.

Bên cạnh đó, Ban QLDA thăng Long cũng yêu cầu nhà đầu tư BOT dự án ký hợp đồng với Công ty CP quản lý và xây dựng CTGT 236 để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT trên toàn tuyến.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu sau khi cào bóc xong lớp cấp phối đá dăm phải vệ sinh sạch sẽ phần cây xanh dải phân cách giữa và mặt đường. Đồng thời, đơn vị tư vấn giám tiến hành rà soát, kiểm tra chỉ đạo nhà thầu xử lý dứt điểm vấn đề môi trường. Nếu nhà thầu nào chưa xử lý xong thì kiên quyết không cho triển khai thi công”, ông Bình nói.

Liên quan đến tiến độ của dự án, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo hợp đồng, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, ông Hòa khẳng định: “Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để thi công 3 ca liên tục nhằm rút ngắn tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 của dự á khoảng 6 tháng so với kế hoạch”.

Thay đổi thiết kế không làm tăng tổng mức đầu tư

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông: “Vừa qua, một số thời điểm các nhà thầu của dự án phải dừng thi công có phải xuất phát từ những vướng mắc về đơn giá, định mức hay lý do gì?”, ông Vũ Xuân Hòa cho rằng, các nhà thầu phải dừng thi công do công tác điều chỉnh thiết kế kỹ thuật nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo ông Hòa, trên cơ sở đồ án cũ, các nhà thầu đã thí điểm thi công tôn cao mặt đường ở ba đoạn bằng cấp phối đá dăm. Trong đó, Cienco 1 làm thí điểm hơn 300m, Cienco4 khoảng 800m và Công ty Phương Thành hơn 200m. Tuy nhiên, tất cả những đoạn này đã phải thay đổi thiết kế và được cào bóc đi để xử lý bằng kết cấu mới. “Phải chờ các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt lại các bản vẽ thiết kế, thi công thì các nhà thầu mới được thi công tiếp chứ không do vướng mắc về định mức, đơn giá”, ông Hòa khẳng định.

Hiện trường thi công tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ
Hiện trường thi công tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ

Lý giải về việc thay đổi biện pháp thi công, ông Hòa cho hay, sau khi xem xét lại thiết kế và kiểm tra thực tế hiện trường thấy rằng, việc tôn cao mặt đường bằng lớp cấp phối đá dăm là không phù hợp và gây mất vệ sinh môi trường khiến công tác tổ chức đảm bảo giao thông gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục thi công bằng kết cấu này, trong quá trình xử lý nền đất yếu sẽ gặp khó khăn và làm tăng thêm kinh phí.

“Sau khi xem xét, chúng tôi đã phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT cho thay đổi thiết kế để phù hợp với thực tiễn, bằng cách dùng lớp bê tông nhựa rỗng để thay thế lớp cấp phối đá dăm nhằm giúp các phương tiện giao thông đi lại êm thuận hơn”.

Theo ông Hòa, việc thay đổi kết cấu trên sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, không làm ảnh hưởng đến công tác duy tu, bảo trì, đặc biệt là không làm tăng kinh phí và tổng mức đầu tư của dự án.

Về khối lượng cấp phối đá dăm phải cào bóc lên ở hơn 1km đã thi công, ông Hòa cho biết, số vật liệu này sẽ được các nhà thầu sử dụng trong quá trình làm các đường dân sinh của dự án.

Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được đầu tư theo hình thức BOT với tổng chiều dài toàn tuyến 29km, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn 1 được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe, giai đoạn 2 được xây dựng nâng cấp lên 6 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. 

Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Phát – Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành là nhà đầu tư của dự án.

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây