|
Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng có thời gian bảo hành 48 tháng |
Nhà thầu lo làm thật, ăn thật
Ông Cấn Hồng Lai - Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết, thời gian gần đây ông đã yêu cầu các đơn vị thành viên và các dự án do Cienco 1 đang triển khai xây dựng phải đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng trong thi công. Lý do là Bộ GTVT đã yêu cầu tăng gấp đôi thời gian bảo hành công trình so với trước. Nếu công trình, dự án không đảm bảo, hỏng hóc trong thời gian bảo hành, nhà thầu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, phải bỏ tiền ra đền.
Ông Vũ Hồng Phương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long cho biết, đơn vị đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại để lo đảm bảo chất lượng công trình. Giờ thời hạn bảo hành rất dài, nếu công trình chất lượng kém, bị hỏng hóc trước khi hết hạn bảo hành, nhà thầu sẽ thiệt hại lớn.
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về vấn đề chất lượng công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, các dự án BOT cũng phải quản lý chặt chẽ như vốn ngân sách Nhà nước. Bởi vốn Ngân sách Nhà nước cũng chính là từ thuế của người dân nộp. Các dự án BOT cũng là thuế người dân nộp phí trực tiếp cho nhà đầu tư nên phải được quản lý chặt chẽ như vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, Bộ GTVT đã tăng thời hạn bảo hành lên gấp đôi. Trước đây, thời hạn bảo hành là hai năm giờ nâng lên bốn năm, chi phí hoàn toàn do nhà thầu chịu. Cùng đó, trước khi hết hạn bảo hành ba tháng, Bộ GTVT sẽ lập đoàn kiểm tra, nếu có hiện tượng có thể hỏng trong thời gian ngắn thì sẽ yêu cầu sửa chữa ngay.
|
Đó là những tâm sự thật của các doanh nghiệp, nhà thầu lớn trong ngành Giao thông thời gian gần đây. Nguyên do xuất phát từ Quyết định 3230 do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký ban hành quy định tạm thời về nâng cao trách nhiệm bảo hành đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ GTVT quyết định đầu tư. Theo quyết định này, gần như các dự án đều được quy định tăng thời hạn bảo hành gấp đôi so với trước đây.
Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, để nâng cao trách nhiệm, tăng chất lượng công trình, Bộ GTVT quy định thời hạn bảo hành cụ thể, không chung chung như trước. Theo đó, công trình cấp đặc biệt và cấp một giờ thời hạn bảo hành là 48 tháng; Công trình cấp 2 là 42 tháng. Mức bảo hành của các cấp này là 3/% giá trị hợp đồng; Công trình cấp còn lại thời hạn bảo hành 24 tháng với mức bảo hành 5% giá trị hợp đồng. Bộ GTVT cũng quy định riêng với các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và các dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên thời hạn bảo hành cũng là 48 tháng, mức bảo hành 3% giá trị hợp đồng.
Với các dự án BOT yêu cầu đảm bảo chất lượng và bảo hành còn cao hơn. Không chỉ 24 tháng hay 48 tháng như tất cả các công trình giao thông khác, các công trình đầu tư theo hình thức BOT nếu xảy ra hỏng hóc, nhà đầu tư sửa và bị dừng thu phí.
Thực tế, trong thời gian qua đã có một số dự án BOT trong quá trình khai thác, thi công xảy ra hư hỏng như: QL18, một vài gói thầu trên QL1, QL14 qua Tây Nguyên... Các nhà đầu tư đều phải tự bỏ tiền ra sửa, đồng thời bị dừng thu phí trong một thời gian dài, thiệt hại lớn đến kinh tế của nhà đầu tư. Do đó, việc coi trọng nâng cao chất lượng công trình là xu thế tất yếu.
Tại quyết định trên, Bộ GTVT quy định cụ thể trong thời gian khai thác kinh doanh để hoàn vốn, nhà đầu tư có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Trong khoảng thời gian này, nếu nhà đầu tư chậm trễ tiến hành sửa chữa, khắc phục sẽ bị dừng thu phí. Thời gian dừng này sẽ không được gia hạn thu phí trong hợp đồng BOT.
|
Một số dự án BOT trong quá trình khai thác, thi công xảy ra hư hỏng như QL18, nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra sửa |
Bảo hành 4 năm không dài
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch Hội KHKT cầu đường VN cho rằng, nhà đầu tư, nhà thầu làm hỏng, phải sửa chữa, bảo hành lại là đương nhiên. “Kể cả hết hạn bảo hành, công trình hư hỏng, nếu đánh giá nguyên nhân do chủ quan của nhà thầu, nhà đầu tư thì anh vẫn phải bảo hành lại, đồng thời phải coi như là bảo hành một đời dự án với vòng đời mới”, ông Long nói.
Ông Trần Xuân Sanh cho biết, sau khi Bộ GTVT ban hành quy định nêu trên, chỉ có một số doanh nghiệp và các đơn vị chức năng có ý kiến cho rằng thời hạn bảo hành như vậy là dài. Còn đa phần các doanh nghiệp đồng tình. Nếu làm thật, chất lượng thật, chẳng có gì phải lo cả vì công trình giao thông có tuổi đời kéo dài cả chục năm chứ đâu phải một vài năm.
“Kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hành, nếu công trình xảy ra hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng do lỗi của mình gây ra, nhà thầu thi công vẫn phải chịu trách nhiệm và khắc phục tương ứng với phần việc do mình thực hiện. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, các nhà thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Sanh cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Cấn Hồng Lai cho rằng đời dự án rất dài, nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. “Nhiều sản phẩm khác như: Đồ điện, gia dụng, máy móc, thiết bị, thậm chí chăn ga, gối đệm… nhà sản xuất còn bảo hành cả chục năm. Công trình giao thông, hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng thì thời gian bảo hành hai, hay bốn năm không có gì là dài”, ông Lai nói.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn