Tại cuộc họp, ông Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, thực hiện Kết luận cuộc họp thẩm định Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận của Lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long đã chỉ đạo Tư vấn cập nhật, bổ sung các nội dung theo yêu cầu. Theo đó, quy mô nghiên cứu rà soát bề rộng làn phụ và phương án thiết kế phân cách giữa (kiến nghị lựa chọn nền 13,75m), nghiên cứu kỹ, có luận chứng về thiết kế mặt cắt ngang cầu và đường, khả năng mở rộng trong tương lai, thiết kế dốc ngang đường là 1 hay 2 mái, bảo đảm ATGT khi khai thác.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Về phần đường, Tổng giám đốc Dương Tuấn Minh cho biết, kết cấu áo đường đã tính toán rà soát lại chiều dày (đề xuất 13cm) lớp vật liệu gia cố; xem xét rà soát lại tiêu chuẩn bê tông nhựa trong bước thiết kế kỹ thuật sau khi có kết quả của Tổ nghiên cứu và kết luận cuối cùng của Bộ GTVT; đã rà soát tính toán cụ thể giải pháp xử lý nền đất yếu phù hợp với địa chất, địa hình và chiều cao đắp từng đoạn. Riêng phương án xử lý nền đất yếu, chủ yếu sử dụng bấc thấm; cục bộ những vị trí có chiều sâu đất yếu lớn thì xử lý bằng cọc cát; tại các vị trí tiếp nối đường dầu cầu, cống hộp dùng sàn giảm tải.
Về phương án đầu tư giai đoạn 1A (quy mô 2 làn xe cao tốc), Tổng giám đốc Dương Tuấn Minh đưa ra hai phương án đầu tư. Cụ thể, phương án 1 từ năm 2019 thu phí cả 2 đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, thời gian thu phí Dự án khoảng 15 năm; phương án 2 thu phí từ năm 2019 và thời gian thu phí đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 20 năm, hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương từ năm 2019 trong thời gian nhất định.
Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long Dương Tuấn Minh báo cáo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng công ty Cửu Long chủ trì phối hợp với TEDI và các cơ quan liên quan tập trung cao độ điều chỉnh thiết kế Dự án BOT trong thời gian 10 ngày (trước 10/8/2014); Thứ trưởng giao Ban PPP phối hợp với Tổng công ty Cửu Long giám sát việc điều chỉnh Dự án, để hoàn thành đúng tiến độ; cùng với đó, Ban PPP tham mưu Bộ thành lập Hội đồng rà soát, thẩm định Dự án, bảo đảm hồ sơ đạt chất lượng, thực tiễn; đồng thời Ban PPP dự thảo trước văn bản báo cáo để Lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương (trước 15/8/2014).
Về nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1A gồm 2 làn xe cao tốc bề rộng 3,5m; Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty Cửu Long, TEDI nghiên cứu kỹ về thiết kế mặt cắt ngang cầu và đường, khả năng mở rộng trong tương lai đảm bảo thuận lợi trong thi công và tiết kiệm kinh phí; bên cạnh đó, rà soát lại các cầu sử dụng cọc khoan nhồi có thuyết minh cụ thể, tĩnh không thông thuyền, tĩnh không các đường ngang chui dưới đường cao tốc; đồng thời lưu ý về hệ thống hộ lan, kết cấu mặt đường, nền đường, đường dân sinh, lưu lượng phương tiện, mức phí (giá vé)…
Về thủ tục, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Ban PPP tổng hợp các nhà đầu tư quan tâm đến Dự án, phối hợp với Tổng công ty Cửu Long đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư, lựa chọn liên doanh nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu, tiến độ (báo cáo Bộ trước 15/8/2014); Thứ trưởng giao Tổng công ty Cửu Long là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để khởi công Dự án trong năm 2014.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện