Tại cuộc họp, ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị Tư vấn xây dựng Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số. Trong Đề án ngoài bổ sung 22 tỉnh, thành phố, Tư vấn còn điều tra, khảo sát hiện trạng nhu cầu xây dựng cầu dân sinh của các địa phương thuộc 50 tỉnh, trong đó cả cầu cứng và cầu mềm; đồng thời đưa ra một số định hình của một số loại cầu; tổng hợp kinh phí để xây dựng cầu dân sinh và cơ chế vốn thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về Đề án
Ông Chu Ngọc Sủng, đại diện đơn vị Tư vấn (Liên danh Công ty Cổ phần Kỹ sư và tư vấn Việt Nam và Công ty Cổ phần ATH Tư vấn đầu tư xây dựng) cho biết, mục tiêu đầu tư của Đề án là tạo điều kiện đi lại đảm bảo ATGT trước mắt; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn dân tộc thiểu số đến năm 2020 có được 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật và giải pháp kết cấu cầu dân sinh, ông Chu Ngọc Sủng cho biết, khổ cầu cho các loại kết cấu cầu cứng có hai phương án, cụ thể phương án 1 đường thôn, đường liên xã (khổ cầu 2,5m); đường huyện về xã, liên huyện (khổ 3,5m) và phương án 2 đường thôn, đường liên xã (khổ 3,0m); đường huyện về xã, liên huyện (khổ 7,0m).
Đối với khổ cầu cho cầu treo dân sinh, cầu treo dân sinh cho người đi trước mắt đầu tư 2 khổ cầu, khổ cầu 1,5m và khổ cầu 2,0m. Đối với cầu cứng, đường trục huyện về xã, Tư vấn kiến nghị dùng tiêu chuẩn hoạt tải 0,5 HL93; đường liên thôn và đường nội đồng, tiêu chuẩn đường nông thôn loại B người đi 3kn/m2 kiểm toán với đoàn xe 2,8T. Riêng đối với cầu treo dân sinh, hoạt tải người đi 3kn/m2, tải trọng tập trung 4.9kn để kiểm toán chọc thủng mặt cầu.
Đề án tập trung xây dựng những cầu có quy mô nhỏ, tải trọng thấp,
phục vụ cho xe máy và người đi bộ đi qua, bảo đảm ATGT
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá Đề án được xây dựng khẩn trương, đảm bảo được tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, Đề án cần phải nghiên cứu thể hiện được chủ trương của Ủy ban Dân tộc, đặc biệt chủ trương của Chính phủ. Bởi theo Thứ trưởng, muốn phát triển nông thôn ở vùng sâu, vùng xa thì đầu tiên phải kết nối được giao thông từ các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ xuống đến các thôn, bản; hiện nay khó khăn lớn nhất của các thôn, bản là bị chia cắt bởi các dòng sông, dòng suối, việc huy động sức dân ở khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn, do vậy Đảng, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng các cầu vượt sông, vượt suối nhỏ, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc có mức thu nhập thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tư vấn phải làm rõ hơn mục tiêu của Đề án, trong đó nêu rõ xây dựng những cầu có quy mô nhỏ, tải trọng thấp, phục vụ cho xe máy và người đi bộ đi qua, bảo đảm ATGT. “Phạm vi Đề án chỉ nghiên cứu đối với các xã, huyện, tỉnh, dân tộc, miền núi đi lại khó khăn; giải quyết đối với các tuyến đường xã, đường liên thôn, liên bản và kết nối các khu dân cư; Tư vấn cần phải phân ra vùng để nghiên cứu, đối với những vùng do địa chất, địa hình phức tạp thì tiếp tục thực hiện của Đề án cầu treo dân sinh” - Thứ trưởng yêu cầu.
Đối với cầu bê tông phục vụ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tư vấn nghiên cứu vừa đáp ứng được giá thành, tính bền vững, nhưng phải đáp ứng được yêu cầu vận tải, chống va đập, thông thuyền; riêng đối với cầu sử dụng kết cấu đặc biệt để vượt vị trí khó khăn, cần nghiên cứu cụ thể, chi tiết phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm ATGT. Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì cùng Tư vấn làm việc cụ thể với các địa phương để phối hợp, chủ động huy động mọi nguồn lực để thực hiện dầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện