Cuộc họp STF là diễn đàn để các nước thành viên GMS thảo luận, trao đổi cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác với ADB và các đối tác phát triển về việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong các nước GMS, đặc biệt là hệ thống kết nối giữa các nước GMS với nhau. Diễn đàn được tổ chức luân phiên mỗi năm 01 lần.
Sáng 23/7/2014, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có bài phát biểu khai mạc cuộc họp. Thứ trưởng nhấn mạnh GTVT là một trong lĩnh vực quan trọng của hợp tác GMS và Việt Nam có vị trí thuận lợi khi tham gia cả ba hành lang kinh tế chính trong GMS bao gồm: Hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây và Hành lang phía Nam. Trong những năm qua,Việt Nam đã đưa các đoạn tuyến của lãnh thổ mình trên Hành lang Đông Tây và Hành lang phía Nam vào khai thác từ năm 2005-2006, cũng như các dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một đoạn tuyến trên Hành lang Bắc - Nam, sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2014 và toàn tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ thông xe vào cuối năm 2015. Khi các hành lang kinh tế này hoàn thành toàn bộ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như của khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu khai mạc Cuộc họp
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của ADB không chỉ với việc nâng cấp phát triển hạ tầng giao thông phần cứng mà còn hỗ trợ các nước GMS trong việc thực hiện các Hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương. Trong thời gian tới, Việt Nam, Lào và Campuchia cũng sẽ phối hợp để tổ chức Lễ thông xe thực hiện Bản ghi nhớ giữa ba nước về vận tải đường bộ. Thứ trưởng cũng khẳng định: Mặc dù hiện nay các nước Việt Nam - Campuchia và Campuchia - Thái Lan đã triển khai Hiệp định vận tải đường bộ song phương trên hành lang phía Nam, tuy nhiên, phương tiện từ Thái Lan vẫn chưa đi được tới Việt Nam và ngược lại. Vì vậy Thứ trưởng đề nghị Campuchia cùng Thái Lan và Việt Nam bàn bạc để thực hiện trao đổi quyền vận tải giữa 3 nước.
Tại Cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đã thông báo Việt Nam và Lào dự kiến sẽ áp dụng đầy đủ mô hình “Một cửa Một lần dừng” tại cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh đầu năm 2015. Việc áp dụng Mô hình này sẽ tạo cơ chế thông thoáng cho việc vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa hai nước, giảm đáng kể thời gian thông quan, tạo tiền đề cho việc phát triển thương mại, đầu tư và du lịch trên tuyến.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong lĩnh vực hợp tác đường bộ, Thứ trưởng cũng đánh giá cao Chương trình chiến lược giai đoạn 2006-2015 của GMS, đã mở rộng phạm vi hợp tác về giao thông trong GMS sang lĩnh vực đường sắt và các phương thức vận tải khác. Điều này được thể hiện qua việc các nước thành viên GMS ủng hộ và tham gia tích cực vào việc thành lập Hiệp hội đường sắt GMS (GMRA). Việc thành lập GMRA sẽ tạo cơ sở để các nước thành viên cùng cam kết thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt kết nối trong khu vực đúng như quy hoạch, chiến lược phát triển GTVT Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Kết thúc diễn văn khai mạc, Thứ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của ADB và các Đối tác phát triển trong việc hỗ trợ các nước GMS trong việc phát triển kết nối hạ tầng về cả phần cứng và phần mềm. Tuy nhiên để tăng cường tính liên kết GTVT của khu vực tiểu vùng ngoài các dự án đã được đưa vào trong Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2014-2018, Việt Nam cũng đề nghị sự hỗ trợ của ADB và các Đối tác Phát triển đối với một số dự án như: Dự án kết nối đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Phnom Penh và Việt Nam - Lào, Dự án đường bộ kết nối ở phía Tây Bắc Việt Nam qua Bắc Lào tới Myanmar, hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định GMS-CBTA nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình GMS “Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh và tinh thần cộng đồng”.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện