|
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đang được chủ đầu tư rà soát và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để tiết giảm chi phí đầu tư |
Rà soát thiết kế, tiết giảm tối đa
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được phê duyệt vào khoảng 16.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án) cho biết, thực hiện yêu cầu của Bộ Trưởng Đinh La Thăng, đơn vị đã nhanh chóng triển khai dự án, thực hiện mọi biện pháp, nguồn lực để đảm bảo tiến độ, kiểm soát tổng mức đầu tư, không để vượt, lãng phí. Sau khi báo cáo Bộ GTVT, một số hạng mục đã được tiến hành rà soát lại, thiết kế cơ sở đã được điều chỉnh, với quy mô điều chỉnh như: thay đổi chiều dày vỏ hầm, cầu thép được thay bằng cầu bê tông; Đặc biệt, việc tận dụng tối đa các tuyến đường lâm sinh của địa phương để làm đường công vụ đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và giảm chi phí đáng kể.
“Những thay đổi này có thể tiết giảm cả nghìn tỷ đồng chi phí cho dự án mà không ảnh hưởng gì đến quy mô, kết cấu cũng như hiệu quả sử dụng của công trình”- ông Hoàng nói.
Cùng với đó theo ông Hoàng, các giải pháp về thi công cũng được đặc biệt quan tâm. Việc đẩy mạnh thi công, rút ngắn thời gian cũng góp phần kéo giảm chi phí và tổng mức đầu tư. Do vậy, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu, đặc biệt là Công ty Sông Đà 10 và Lũng Lô thi công hầm chính làm ngày, làm đêm, huy động tổng lực máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công.
Về tiến độ các gói thầu, ông Nguyễn Tấn Đông, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, dù khối lượng công việc còn nhiều, vừa phải thiết kế vừa thi công nhưng tiến độ tổng thể sẽ không bị ảnh hưởng. Đến nay, tất cả các gói thầu đã được triển khai đúng tiến độ. Riêng gói thầu hầm Cổ Mã đã đào được mỗi bên 70 mét và dự kiến sẽ thông hầm cuối năm 2014.
Với hầm chính, hiện hai gói thầu mở cửa hầm đã xong. Các nhà thầu đang tập kết thiết bị, tiến hành gia cố cửa hầm để phục vụ cho việc đào hầm vào đầu tháng 8 tới.
Đường dẫn, hiện mặt bằng phía Nam còn vướng nên có mặt bằng đến đâu thì các nhà thầu sẽ làm đường công vụ đến đấy. Mục tiêu của chủ đầu tư là đường dẫn vào hầm sẽ hoàn thành cùng với phần hầm vào tháng 9/2016.
Gỡ mọi vướng mắc để nhà thầu yên tâm thi công
Liên quan đến các vướng mắc tại dự án, ông Hoàng cho biết, khó khăn nhất vẫn là công tác GPMB. Hiện nay, phía Khánh Hòa vẫn còn vướng hơn 200 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân chính do tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng các khu tái định cư nhưng vẫn chưa xác định được cụ thể nguồn vốn đầu tư, người dân nhập cư phức tạp... Hiện tại, khu tái định cư phía tỉnh Phú Yên đã đưa vào sử dụng, còn 6 hộ chưa nhận tiền đền bù, UBND tỉnh cũng rất quyết liệt, nhiều lần tổ chức cưỡng chế nhưng các hộ dân vẫn chưa chịu di dời.
Những vướng mắc trong GPMB ảnh hưởng nhiều đến công tác tập kết máy móc, thiết bị và tổ chức thi công của nhà thầu. “Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc này, chủ đầu tư cũng yêu cầu các nhà thầu, mặt bằng có đến đâu làm ngay đến đó, tận dụng các tuyến đường lâm sinh hiện có, mở đường công vụ để vận chuyển máy móc thiết bị, nhất quyết không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình. Với sự hỗ trợ của lãnh đão của hai tỉnh, huyện, cùng với sự sẵn sang của nhà đầu tư, chúng tôi hy vọng trước mắt ngoài việc đã thông được 2 tuyến công vụ phục vụ cho việc khoan hầm trong tháng 8 và các bên sẽ tiếp tục tích cực đầy nhanh việc GPMB cho phần còn lại” – ông Hoàng khẳng định.
|
Tiến độ dự án trọng điểm này đang được đốc thúc để đảm bảo hoàn thành đúng yêu cầu của Bộ GTVT |
Một trong những khó khăn lớn nhất của các dự án giao thông vào thời điểm này là thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu, giá cả tăng cao. Nếu nguyên vật liệu thiếu, máy móc, nhân lực, vốn đầy đủ cũng chẳng có ý nghĩa, công trình không thể đảm bảo tiến độ, nguy cơ tổng mức đầu tư tăng, ngân hàng sẽ dừng giải ngân.
“Nhận thức được điều đó, ngay từ đầu năm, chủ đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc ký kết bình ổn giá với các nhà cung cấp trong vòng 12 tháng. Trong khoảng thời gian này, nhà cung cấp không được tăng giá, đồng thời phải vận chuyển đến tận chân công trình. Tất cả các nguyên vật liệu chính từ sắt thép, cát, đá, nhựa,… đều không ảnh hưởng đến Dự án hầm Đèo Cả, các nhà thầu có thể yên tâm chỉ lo tập trung thi công” – ông Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, dự án đang phải đối mặt với một khó khăn rất lớn, bởi ngoài việc tạm ứng trước cho địa phương hơn để GPMB và xây dựng tái định cư bằng vốn chủ sở hữu (khả năng thu hồi vốn rất chậm), các nhà đầu tư còn phải tập trung vốn chủ sở hữu để đẩy mạnh thi công: “Về nguyên tắc ngân hàng giải ngân theo tỷ lệ 80 – 20. Có nghĩa là vốn của ngân hàng là 80%, còn vốn của nhà đầu tư 20%. Tại dự án này, vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư lên tới 1.078 tỷ đồng, đến nay các nhà đầu tư đã góp được khoảng 600 tỷ đồng và sẽ hoàn thành việc góp vốn đảm bảo tiến độ giải ngân dự án trong 12/2014 . Với tiến độ thực hiện và nhu cầu giải ngân rất lớn của các nhà thầu, nếu các nhà đầu tư không góp đủ vốn theo cam kết thì ngân hàng sẽ không giải ngân”.
Từ nay đến cuối năm 2014, chủ đầu tư phấn đấu sẽ thông phần đường dẫn đến cửa hầm. Bên cạnh đó, các nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến, đồng thời thông hầm Cổ Mã và hoàn thành 100 mét đầu tiên của hầm chính. |
Nguồn: giaothongvantai.com.vn