Công nghệ bấc thấm ngang với sự phát triển bền vững: Kinh nghiệm của Nhật Bản

Thứ năm - 12/06/2014 13:00. Xem: 131
Ngày 12/6/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Công nghệ SB Drain (Bấc thấm ngang) với sự phát triển bền vững - Kinh nghiệm của Nhật Bản” do Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD), Trung tâm Xúc tiến Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản (CJV) và Công ty TNHH Thai Miltec đồng tổ chức. 

 


Hội thảo thu hút khoảng hơn 100 khách tham dự

Mục đích của hội thảo là nhằm giới thiệu về công nghệ Bấc thấm ngang và sự thay đổi từ phương pháp truyền thống (Lớp cát thoát nước) phát triển sang phương pháp SB Drain (Bấc thấm ngang) cho PVD trong công nghệ xử lý nền đất yếu tại Nhật Bản. Hội thảo thu hút đông đảo hơn 100 khách tham dự đến từ các bộ, cơ quan, ban ngành, các công ty xây dựng và một số trường đại học của Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Thái Lan, các thầy cô giáo và sinh viên của trường ĐHXD. Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam đã trình bày công nghệ tiên tiến và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ này trong lĩnh vực xây dựng.

GS. Masaki Kitazume - Khoa Kỹ thuật dân dụng và Môi trường, Viện Công nghệ Tokyo đã trình bày trước hội thảo về nội dung “Tầm quan trọng của hệ thống thoát nước ngang trong phương pháp thoát nước thẳng đứng- Bấc thấm ngang SB Drain trong công nghệ xử lý nền đất yếu”. Theo GS. Masaki Kitazume, trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao như hiện nay, giải pháp hệ thống thoát nước ngang trong phương pháp thoát nước thẳng đứng- Bấc thấm ngang SB Drain là giải pháp hữu hiệu, mang lại sự phát triển bền vững cho một quốc gia. Đặc biệt, giải pháp này ứng dụng tốt tại Việt Nam.


GS. Masaki Kitazume, Viện Công nghệ Tokyo

TS. Seah Tian Ho - Chuyên gia địa kỹ thuật cấp cao, Công ty TNHH Alfa Geotech và thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Châu Á đã trình bày về nội dung “Bấc thấm ngang SB Drain”. TS. Seah Tian Ho cho biết công nghệ Bấc thấm ngang là công nghệ vật liệu tiên tiến của Nhật Bản đã được ứng dụng thực tế nhiều năm qua. Đây là vật liệu có ưu điểm vượt trội như nhẹ, dễ vận chuyển, thi công đơn giản, kiểm soát dễ dàng, chi phí thấp và đặc biệt đây là vật liệu thân thiện môi trường.


TS. Seah Tian Ho, chuyên gia địa kỹ thuật cấp cao

TS. Nguyễn Hoàng Giang – Giảng viên trường Đại học Xây dựng đã trình bày trước hội thảo về TCVN 9355: 2013 (Gia cố nền đất yếu bằng bấc thấm – Thiết kế, thi công và nghiệm thu). TCVN 9355: 2013 được biên soạn trên cơ sở của 22 TCN 244-1998, 22 TCN 236-1997 và TCXD 245-2000.


TS. Nguyễn Hoàng Giang, Giảng viên trường Đại học Xây dựng

Sau những bài trình bày của các GS.TS của Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam tại hội thảo, đã có rất nhiều ý kiến và câu hỏi đặt ra sau đó. Tại đây, cuộc trao đổi thảo luận giữa các chuyên gia của Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam đã diễn ra hết sức sôi nổi. Bầu không khí tại hội thảo rất sôi động và nhiệt huyết, đặc biệt là sự tương tác giữa các chuyên gia Nhật Bản, Thái Lan và các chuyên gia cao cấp của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam.


GS.TS. Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam trao đổi tại hội thảo

Theo GS.TS. Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam “Đây là hội thảo rất thú vị! Đối với chúng tôi – những người đã có nhiều thâm niêm và kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến dự hội thảo cũng tiếp thu được nhiều ý kiến hay, mở ra nhiều vấn đề liên quan. Còn đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm và các em sinh viên thì lại là cơ hội để tìm hiểu về công nghệ này, mở mang kiến thức và tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu”.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp và mặc dầu thời gian không dài nhưng nhìn chung, hội thảo đã phần nào mang lại lợi ích và kinh nghiệm cho các chuyên gia của Việt Nam cũng như mang lại cơ hội hiểu biết thêm về kinh nghiệm của lĩnh vực nêu trên của Nhật Bản.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây