Theo báo cáo của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), Đề án Kết nối tổng thể GTVT hai nước Việt Nam - Lào có mục tiêu nhằm nghiên cứu thế mạnh vận tải của hai nước và khu vực nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực; định hướng có tính chiến lược trong mối quan hệ GTVT của hai nước; phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của 2 nước, đặc biệt là tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với hệ thống giao thông của Lào nói riêng và quốc tế nói chung; đề xuất giải pháp kết nối tổng quan cho các loại hình vận tải và phương hướng triển khai nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối toàn diện giữa các vùng kinh tế và hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối hai nước; xác định trục vận tải chính yếu và hoạch định thứ tự ưu tiên xây dựng các tuyến đường kết nối hai nước nói chung và tuyến đường bộ kết nối hai trung tâm văn hóa, chính trị của hai nước Viên Chăn - Hà Nội nói riêng.
Tại cuộc họp, đại diện TEDI cũng phân tích các điều kiện về tự nhiên và kinh tế xã hội khu vực nghiên cứu cũng như hiện trạng kết nối GTVT Việt Nam - Lào; dự báo nhu cầu vận tải kết nối Việt Nam - Lào đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phía TEDI chỉ ra được các cảng biển Việt Nam phục vụ hàng hóa quá cảnh Lào và Thái Lan và đưa ra kế hoạch thực hiện, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư kết nối tổng thể GTVT hai nước Việt Nam - Lào.
Nói về tuyến đường kết nối Viên Chăn - Hà Nội, phía TEDI cho rằng, việc nghiên cứu tuyến đường nhằm mục đích hình thành được tuyến đường ngắn nhất tốc độ cao để kết nối giữa khu vực Thủ đô hai nước Việt Nam - Lào và có thể kết nối với Thủ đô của Thái Lan, Myanma là nhu cầu tất yếu trong hợp tác quốc tế. Tuyến đường kết nối này có phạm vi nghiên cứu điểm đầu tại Thủ đô Viên Chăn của Cộng hòa DCND Lào và điểm cuối tại Thủ đô Hà Nội của Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Trên cơ sở báo cáo của TEDI cũng như ý kiến đóng góp về Đề án của đại biểu dự họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Theo tiến độ, Bộ sẽ trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 này. Tuy nhiên, Đề án này còn liên quan đến cả phía Lào. Do vậy, các đơn vị liên quan cần chủ động trong việc xây dựng Đề án.
Đối với các nội dung cụ thể của Đề án, Thứ trưởng đề nghị, Tư vấn TEDI cần phải nêu bật được mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào; đưa ra một số chỉ tiêu kinh tế của hai nước Việt Nam - Lào; so sánh kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào và của Lào với một số nước khác; phân tích và làm rõ các vấn đề về kết nối đường cao tốc. Bên cạnh đó, Tư vấn cần đưa ra các giải pháp và tổ chức thực hiện trong Đề án. Cụ thể, Tư vấn phải đưa ra các giải pháp về hoàn thiện quy hoạch GTVT của cả 2 nước; các giải pháp về nguồn vốn; về con người; về ứng dụng khoa học công nghệ.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện