Thí điểm loại bê tông nhựa rỗng chống hằn lún

Thứ tư - 11/06/2014 13:00. Xem: 121
Trước hiện tượng hằn lún vệt bánh xe và hư hỏng cục bộ hoành hành tại một số dự án giao thông, Bộ GTVT vừa cho phép thử nghiệm một loại nhựa đường mới được cho là có khả năng dính bám cao, cường độ mặt đường tốt và đặc biệt là có thể chống đọng nước trên nền mặt đường.

 

BTNR có nhiều tính năng vượt trội so với loại nhựa thông thường
BTNR có nhiều tính năng vượt trội so với loại nhựa thông thường

Bê tông nhựa rỗng chống hằn lún

Theo đại diện của Công ty TAIYU (Nhật Bản), ưu điểm cơ bản của loại vật liệu là khả năng bảo đảm ATGT, có độ bền, nhám cao hơn so với các loại bê tông nhựa thông thường.

Một so sánh tại Tokyo (Nhật Bản) cho thấy, sau một năm sử dụng loại bê tông nhựa rỗng (BTNR) thay cho các loại nhựa đường thông thường, số vụ TNGT đã giảm đến 85%. Do có độ rỗng đến 20% nên loại nhựa đường này có khả năng thoát nước trên bề mặt đường sang hai bên. Điều này khiến cho mặt đường không bị đọng nước khi trời mưa, lưu thông phương tiện an toàn hơn bởi mặt đường không bị bắn nước gây mất tầm nhìn, không bị lóa khi mặt đường bóng nước, nhất là vào ban đêm. Đặc biệt, do nước được thoát đi nhanh chóng nên độ nhám của mặt đường được bảo đảm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Taru Murakawa, đại diện của Công ty CP xây dựng TAIYU, hiện đang liên kết với Công ty CP Công nghiệp Toàn Phát (TOPACO) xúc tiến việc đưa loại nhựa này vào thị trường Việt Nam cho biết: “Cốt liệu của loại bê tông nhựa này chính là các hạt PTS có độ bền, cứng và khỏe và có độ dính bám với nhựa rất cao. Nhật Bản vào trước đây cũng xảy ra tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Tuy nhiên, từ khi công nghệ này được sử dụng rộng rãi, hiện tượng này đã cơ bản được giải quyết.

Loại nhựa này có thể sử dụng các loại máy thảm như nhựa bình thường
Loại nhựa này có thể sử dụng các loại máy thảm như nhựa bình thường

Thành phần đặc biệt của loại BTNR là 12% phụ gia là hạt PTS có độ cứng, khỏe, dính bám và chịu được cường độ cao mà các loại nhựa thông thường không có. Bên cạnh đó, đây là loại nhựa cải tiến có độ nhớt và dính bám cao hơn, có màng nhựa dầy hơn. Cả hai thành phần này sẽ tạo ra loại nhựa đường có độ nhớt cao và có những đặc tính vượt trội so với yêu cầu. Chẳng hạn như: nhiệt độ hóa mềm ở mức 92,5 độ C (nhựa thông thường ở khoảng 60 – 70 độ C); Độ kim lún ở mức 82,5%, trong khi mức yêu cầu là 65%; Chỉ số về độ ổn định Marshall cũng đạt yêu cầu rất cao (> 3,43)…

“Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là loại nhựa bê tông này hoàn toàn triệt tiêu được hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Theo tôi được biết, hiện tượng này xảy ra tại Việt Nam chủ yếu xuất phát từ tình trạng xe quá tải. Vì thế, với bất cứ một loại công nghệ nào dù có chất lượng cao hơn nhưng nếu tình trạng xe quá tải vượt quá mức cho phép cũng khó có thể giải quyết triệt để được” – ông Taru Murakawa nói.

Cũng theo ông Murakawa, loại NBTR này đặc biệt thích hợp với các loại đường cao tốc, đường trong đô thị là bởi nó có thể hấp thụ tiếng ồn. Nếu với mặt đường thông thường có lớp cấp phối nhựa chặt, tiếng ồn được tạo ra bởi khí nén và tiếng nổ xuất hiện giữa lốp xe và mặt đường nhưng với loại BTNR sẽ triệt tiêu tiếng nổ do không khí không bị nén mà đi vào các lỗ rỗng. Vì thế mức độ tiếng ồn có thể giảm xuống mức 50% so với loại bê tông nhựa thông thường.

Triển vọng lớn tại thị trường Việt Nam

Một đoạn đường được thảm thí điểm tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Một đoạn đường được thảm thí điểm tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Tại Nhật Bản, mặt đường BTNR đã được sử dụng từ những năm 1991 vì lợi ích ATGT bởi loại nhựa này có khả năng thoát nước cao.     Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh – Tổng Giám đốc TOPACO, đây là một loại vật liệu hoàn toàn mới trong lĩnh vực thi công công trình giao thông tại Việt Nam. Chính vì vậy, vào ngày 5 – 7/6 vừa qua, Bộ GTVT đã cho phép đơn vị tiến hành rải thí điểm 300 mét tại đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đến nay, việc thí điểm này vẫn đang được theo dõi. Tuy nhiên, theo dõi thi công và kiểm tra tại hiện trường, các chuyên gia và đại diện Vụ KHCN (Bộ GTVT) đã đánh giá đây là một loại vật liệu có triển vọng tốt, có thể áp dụng tại các công trình giao thông tại Việt Nam trong thời gian tới.

Về chi phí nếu áp dụng loại nhựa này, ông Taru Murakawa cho biết, do đây là loại vật liệu đặc biệt, trong đó khối lượng hạt TPS khá lớn nên có thể chi phí sẽ cao hơn các loại vật liệu thông thường một chút. Tuy nhiên, với độ bền cao và đảm bảo ATGT hơn, hiệu quả về lâu dài sẽ lớn hơn. Và nếu tính toàn bộ quá trình khai thác, sử dụng, chi phí chắc chắc rẻ hơn so với loại nhựa đường thông thường.

Đặc biệt, khi sử dụng loại nhựa này, vẫn có thể sử dụng hệ thống trang thiết bị như các loại nhựa khác nên sẽ không gặp bất cứ khó khăn nào đối với các đơn vị thi công. 

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây