Dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua khu vực Tây Nguyên) là những dự án trọng điểm quốc gia, có sự tham gia quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Đến thời điểm này, có rất nhiều dự án đảm bảo tốt tiến độ, phần lớn các địa phương đã giải phóng xong mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư để triển khai thi công. Tuy nhiên, mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực của địa phương nhưng công tác GPMB tại một số tỉnh chưa hoàn thành đúng tiến độ.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh đã báo cáo tình hình thực hiện GPMB, những khó khăn, vướng mắc tại các dự án qua địa bàn 06 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk. Theo đó, dự án QL1 qua tỉnh Thừa Thiên Huế có 02 dự án vốn BOT và 01 dự án trái phiếu Chính phủ (TPCP), mặt bằng đã được thu hồi theo chiều dài tuyến là 52,2km/64,7km (đạt 80,7%); các khu tái định cư (TĐC) cho 02 dự án BOT đang tiến hành cắm mốc phân lô, bàn giao cho các hộ dân; đối với dự án TPCP sẽ bố trí cho các hộ dân vào 10 khu TĐC trước 30/6; số lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn nhiều.
QL1 qua tỉnh Quảng Nam có 02 dự án vốn BOT, đã thu hồi 49,2km/57,0km (đạt 86,3%); đã bố trí tái định cư tập trung được 109 hộ/125 hộ (đạt 87,2%); công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đang được tiến hành thuận lợi, đồng bộ, kịp thời đối với những đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng.
QL1 qua tỉnh Quảng Ngãi có 02 dự án TPCP và 01 dự án vốn BOT, mặt bằng đã được thu hồi là 72,58km/91,08km (đạt 79,7%); đối với 02 dự án TPCP, hiện đang triển khai xây dựng 11 khu TĐC và 03 khu cải táng mồ mả; công tác san lấp mặt bằng khu TĐC của dự án vốn BOT đạt 50%.
QL1 qua tỉnh Bình Định có 02 dự án vốn BOT và 01 dự án vốn TPCP, đã thu hồi được 73,0km/83,5km (đạt 80,8 %); đã bố trí tái định cư tập trung được 185 hộ/928 hộ dân; các huyện trên địa bàn Tỉnh đang chủ yếu phê duyệt, đền bù GPMB hoặc san lấp nền các khu TĐC; khối lượng các công trình phải di dời vẫn còn nhiều.
Ông Trần Xuân Sanh cũng cho biết: QL1 qua tỉnh Phú Yên có 02 dự án vốn BOT và 01 dự án vốn TPCP; mặt bằng đã được thu hồi là 90,7km/95,6km (đạt 94,7%); đã bố trí tái định cư tập trung được 149 hộ/1.118 hộ (đạt 13,3%); đang triển khai thi công 14/16 khu TĐC tập trung cho dự án TPCP; đã di dời hệ thống đường ống nước được 3,04km/13,44km (đạt 23%).
Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk có 01 dự án vốn BOT và 02 dự án vốn TPCP, mặt bằng được thu hồi là 93,22km/95,9km (đạt 97,2%); đã di dời được 10/11,39km đường ống nước.
Các địa phương cam kết sẽ tập trung hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2014.
Về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, ông Trần Xuân Sanh cho biết, năng lực sản xuất vật liệu tại các mỏ địa phương không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, kế hoạch thi công của nhà thầu; một số mỏ công suất thấp hoặc do hết hạn khai thác, cần tiếp tục gia hạn. Tuy nhiên, khi một số địa phương gia hạn tạm thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu phải thực hiện theo quy định hiện hành là để cấp phép chính thức, phải khảo sát điều tra trữ lượng mỏ, đánh giá tác động môi trường…
Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với đại diện lãnh đạo các Bộ liên quan và
tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk
Để thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chậm nhất là 30/6/2014 phải hoàn thành xong công tác GPMB, đảm bảo tiến độ, mục tiêu của Chính phủ phấn đấu hoàn thành cơ bản các Dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên vào cuối năm 2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các Thứ trưởng phụ trách dự án, các Vụ, Cục phải tập trung, chủ động hơn nữa trong sự phối hợp với các bộ, ngành và địa phương.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp toàn bộ những vấn đề còn tồn tại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh các dự án BOT, TPCP. Về vấn đề nguồn vốn cho GPMB, chậm nhất trong tuần sau phải bố trí cho các địa phương còn thiếu, đối những hồ sơ GPMB đã hoàn tất rà soát, Bộ trưởng yêu cầu ứng ngay 100% vốn.
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn phải khẩn trương hoàn tất việc rà soát, điều chỉnh những tồn tại, bất cập; Ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để nhanh chóng xử lý những vấn đề phát sinh.
Về nguồn cung cấp vật liệu, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT ngay trong ngày mai (17/6) phải có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải quyết vấn đề vật liệu cho các Dự án đặc biệt quan trọng này. “Văn bản phải nêu rõ địa phương nào, bao nhiêu mỏ, thủ tục như thế nào, mỏ nào cần gia hạn, mỏ nào cần mở rộng, nâng công suất…” - Bộ trưởng yêu cầu.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện