Theo đó, trong thời gian qua Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra một số tuyến quốc lộ nhận thấy chất lượng bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ một số tuyến quốc lộ còn tồn tại; vẫn còn hiện tượng vá hư hỏng cục bộ chưa đảm bảo quy định (không cắt miếng vá bê tông nhựa và miếng vá không đảm bảo theo hình chữ nhật, hình vuông ; vết vá nhô cao so với mặt đường hiện hữu làm giao thông không êm thuận); Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông - Bộ Giao thông vận tải cũng đã kiểm tra phát hiện và thông báo cho Tổng cục ĐBVN một số hiện tượng sử dụng vật liệu không phù hợp trong quá trình thi công.
Nhằm tăng cường công tác giám sát, quản lý chất lượng công trình bảo trì đường bộ, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục QLĐB, Cục QLĐB cao tốc, Sở GTVT nhận ủy thác quản lý quốc lộ, các Ban QLDA thuộc Tổng cục được giao làm Chủ đầu tư (hoặc Ban QLDA) cần chỉ đạo sâu sát hơn trong công tác giám sát và kiểm soát chất lượng các công trình bảo trì đường bộ; đặc biệt là việc sử dụng đá, cát; công tác lu lèn trong thi công nền, móng, mặt đường; công tác thi công mặt đường.
Ngoài ra Văn bản cũng nêu rõ, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Chủ đầu tư thực hiện các nội dung sau:
1. Yêu cầu về lựa chọn nhà thầu ngoài đáp ứng quy định của pháp luật và của Bộ GTVT còn phải:
- Lựa chọn đối với tư vấn giám sát phải đảm bảo năng lực phù hợp gói thầu và đã giám sát ít nhất 03 công trình tương tự về tính chất kỹ thuật, có các vị trí nhân sự đảm bảo yêu cầu của dự án.
- Lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa phải bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm và máy móc thiết bị thi công các hạng mục của gói thầu. Tuyệt đối không lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực theo quy định của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; hoặc nhà thầu đã bị cấm tham dự đấu thầu, nhà thầu đã vi phạm chất lượng, đã bị cảnh cáo; không lựa chọn nhà thầu chưa đủ kinh nghiệm thi công ít nhất 03 công trình tương tự.
2. Yêu cầu trong quá trình thi công:
a) Yêu cầu tư vấn giám sát và cán bộ quản lý dự án được phân công có mặt trong suốt thời gian thi công của dự án.
b) Trước khi thi công Nhà thầu phải lập kế hoạch và thời gian thi công gửi chủ đầu tư (hoặc Ban QLDA) theo dõi, quản lý.
c) Đối với các dự án quy mô từ 15 tỷ trở lên trước khi thi công các hạng mục móng, mặt đường Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải thông báo cho Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ của Tổng cục ĐBVN (thông báo cho chuyên viên theo dõi) để theo dõi và báo cáo Lãnh đạo Tổng cục cho kiểm tra nếu cần thiết.
d) Trong quá trình thi công Chủ đầu tư, Ban QLDA, TVGS và hệ thống kiểm soát chất lượng của nhà thầu phải giám sát chặt chẽ. Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ:
- Công tác thí nghiệm vật liệu, thí nghiệm thành phần cấp phối và các thí nghiệm khác;
- Chất lượng, thành phần, kích cỡ đá dăm tiêu chuẩn làm móng, mặt đường. Nhất là các tuyến đường thi công lớp láng nhựa (đã có dư luận phản ánh hiện tượng sử dụng đá dăm tiếu chuẩn không đúng kích thước);
- Chất lượng, thành phần và các yêu cầu kỹ thuật của lớp móng cấp phối đá dăm;
- Chất lượng nhựa sản xuất BTN, láng nhựa;
- Chất lượng cát và các VLXD khác sử dụng tại công trình;
- Lượng nhựa khi tưới dính bám, láng nhựa, sản xuất BTN;
- Nhiệt độ và các yêu cầu kỹ thuật khác khi sản xuất BTN, khi láng nhựa;
- Công tác thi công lu lèn (sơ đồ lu, số lượt lu, quy trình lu);
- Công tác thi công thử trước khi thi công chính thức;
- Các khâu lấy mẫu, thí nghiệm mẫu;
- Công tác thi công các hạng mục BTXM, vữa XM, đá xây ..
- Cấp phối và mác bê tông xi măng (BTXM), chiều dày kết cấu BTXM, công tác ghép ván khuôn, đầm lèn khi đổ BTXM và bảo dưỡng BTXM, đồng thời có các biện pháp đảm bảo giao thông tốt trong suốt quá trình thực hiện dự án. Sau khi thi công xong phải bảo dưỡng, vệ sinh công trường; đặc biệt chú ý công tác thí nghiệm đánh giá chất lượng và theo dõi chất lượng nếu có khiếm khuyết phải sửa chữa, thay thế ngay;
- Các công việc liên quan khác dến quản lý chất lượng.
3. Xử lý vi phạm:
- Tư vấn giám sát không có mặt khi thi công hoặc giám sát dự án vi phạm chất lượng sẽ bị cảnh cáo và không cho tham gia từ 06 tháng đến 02 năm các dự án của Tổng cục ĐBVN.
- Nhà thầu vi phạm chất lượng ở các dự án tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý ở mức độ nghiêm khắc nhất, thậm chí bị cắt hợp đồng; đồng thời xử lý bổ sung không cho tham gia thực hiện các dự án của Tổng cục ĐBVN từ 1 đến 2 năm.
- Chủ đầu tư, Ban QLDA không hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án để vi phạm chất lượng sẽ bị xem xét không giao các dự án bảo trì tiếp theo. Riêng các tổ chức, cá nhân thuộc Tổng cục ĐBVN còn bị xem xét đánh giá về tổ chức và hành chính theo thẩm quyền của Tổng cục ĐBVN.
4. Yêu cầu về thời gian bảo hành:
- Các dự án sửa chữa định kỳ toàn bộ mặt đường thời gian bảo hành tương tự như dự án cải tạo nâng cấp, thời hạn bảo hành bằng với quy định của Bộ GTVT tại Quyết định số 2920/QĐ-BGTVT ngày 13/8/2015.
- Các dự án sửa chữa cục bộ, thời gian bảo hành không ít hơn thời gian quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Các dự án sửa chữa khác tuân thủ theo quy định của Nghị định 46/2015/NĐ-CP.
Thực hiện mục tiêu tăng cường chất lượng của các dự án sửa chữa định kỳ: Tổng cục ĐBVN sẽ chỉ đạo thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra chéo giữa các đơn vị và các hình thức kiểm tra, giám sát khác đối với các dự án bảo trì đường bộ.
Nguồn: Tổng cục ĐBVN.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện