Cổ phần hóa phá tan kiện cáo, trì trệ
Trước khi thực hiện tiến trình CPH, Bộ GTVT là một trong số những Bộ có nhiềudoanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhất. Đến tháng 1/2011, Bộ GTVT có đến 94 doanh nghiệp là các tổng công ty, tập đoàn trực thuộc Bộ có100% vốn Nhà nước và hàng trăm DNNN của các Tổng công ty thuộc Bộ. Từ thực tế trên, nhiệm vụ tái cơ cấu (TCC), CPH doanh nghiệp được Bộ GTVT coi là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu chuyển đổi chủ sở hữu để thay đổi quản trị doanh nghiệp tạo luồng sinh khí mới để sau CPH các doanh nghiệp trở thành những đầu tàu mới trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.
Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) là một ví dụ. Chỉ cách đây 2 năm,Vinawaco còn là doanh nghiệp ở trong tình cảnh “hiểm nghèo” với những khoản nợ khổng lồ, đơn kiện chồng chất. Nhiều cán bộ, nhân viên không giữ được mình đã rơi vào vòng lao lý do những sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án. Vinawaco khi đó giống như một con tàu đang chìm sâu xuống biển và chỉ còn chờ ngày chính thức “khai tử”.
Đến nay, 98 doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đã hoàn thành chuyển đổi sang công ty cổ phần. Trong đó có, 11 công ty mẹ - tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tổng số tiền 1.701 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại 6 doanh nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước với tổng số vốn 581 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cổ phần hóa 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, Bệnh viện GTVT T.Ư là bệnh viện công lập đầu tiên của cả nước thực hiện CPH. |
Công cuộc “trục vớt” Vinawaco được bắt đầu khi doanh nghiệp này được CPH vào tháng 6/2014. Nhà đầu tư chiến lược đã mua hơn 200 tỷ đồng vốn điều lệ và thực hiện một cuộc tái thiết mạnh mẽ. Là “ông chủ” mới, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng giám đốc Vinawaco chia sẻ: “Khi mua tổng công ty này, chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm tỷ sửa lại 3 tàu hút bụng đang nằm đắp chiếu vì không có việc làm. Đến nay, 3 tàu này đều đã hoạt động trở lại. Tàu Trần Hưng Đạo sau khi sửa chữa đã ra ứng cứu tiến độ cho Tổng công ty Hàng hải nạo vét cửa Lạch Huyện”.
Kết quả kinh doanh là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả CPH Vinawaco. Chỉ sau nửa năm CPH, doanh thu của Vinawaco tăng tới 58%, nộp thuế tăng 4,5%, thu nhập bình quân lao động tăng gần 8%. Nhiều năm luẩn quẩn trong vòng kiện tụng, sau khi CPH, Vinawaco đã “tuyệt chủng” đơn kiện. Theo ông Tuấn, điều đó không phải ngẫu nhiên mà đó là một quá trình bởi theo mô hình mới, mọi hoạt động được minh bạch, công khai và tất cả đều hướng tới mục tiêu đảm bảo đời sống cán bộ, nhân viên và lợi nhuận của nhà đầu tư.
Không chỉ Vinawaco, nhiều doanh nghiệp khác như: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, Tổng công ty Vận tải thủy, Tổng công ty Thăng Long... sau khi hoạt động theo mô hình mới đã và đang từng bước thoát ra khỏi sự khó khăn để hoạch định những chiến lược phát triển mới theo hướng chuyên nghiệp hơn. Ngay khi mua lại toàn bộ vốn Nhà nước tại CIENCO 8 - một trong những đơn vị làm ăn kém cỏi nhất trong khối CIENCO, “ông chủ” mới Lương Minh Tường cam kết với Bộ GTVT sẽ vực dậy tổng công ty này. Cùng đó, CIENCO 8 sẽ được các nhà đầu tư mới ưu tiên thanh toán hết các khoản nợ nần, để khôi phục một thương hiệu vang bóng một thời.
Công nhân, thủy thủ trên tàu Trần Hưng Đạo của Tổng công ty Xây dựng đường thủy đang nạo vét luồng Lạch Huyện (Hải Phòng) |
Hoàn thành công cuộc tái thiết các “Vina giao thông”
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), trước năm 2011, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước. Nhất là các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp, tài chính mất cân đối dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp, thiếu việc làm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thị trường vận tải biển quốc tế suy thoái, giá cước vận tải biển giảm sâu đến 95%, nhiều doanh nghiệp vận tải biển và đóng tàu trên thế giới suy thoái, phá sản đã tác động trực tiếp đến ngành vận tải biển và đóng tàu trong nước. Đây cũng là thời gian Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) rơi vào tình trạng khủng hoảng.
“Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Các tổng công ty này có hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ cao, vượt so với quy định, có doanh nghiệp lên đến 10 lần. Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, nhờ đẩy mạnh việc TCC các doanh nghiệp nên kết quả kinh doanh năm 2014 của các đơn vị đã có những thay đổi tích cực. Hai Tổng công ty Vinalines và SBIC đã giảm lỗ mạnh, thậm chí là có lãi nếu trừ chi phí tài chính. Việc thành lập Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty đã tạo ra một doanh nghiệp có năng lực mạnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ các chiến lược, quy hoạch liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực điều tiết vĩ mô, đảm bảo phát triển đồng bộ, hài hòa các cảng hàng không, sân bay trong phạm vi cả nước.
Việc chuyển các doanh nghiệp từ Bộ, Cục Hàng hải VN và Tổng cục Đường bộ VN về các tổng công ty cũng đã đáp ứng được mục tiêu tách chức năng quản lý Nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ quan quản lý nhà nước... Đặc biệt, thông qua TCC, CPH, các doanh nghiệp đã giải quyết được tồn tại, bước đầu lành mạnh hóa tình hình tài chính, vốn điều lệ tăng, giảm được hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ, bình quân giảm 50%. Công tác quản trị doanh nghiệp được nâng cao, tạo khí thế mới, làm việc có năng suất, hiệu quả hơn.
Cho biết về hiệu quả của công tác TCC, CPH doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT đánh giá, các doanh nghiệp sau khi TCC, CPH, thoái vốn đã có bước phát triển tốt do huy động được các nguồn lực xã hội, tình hình tài chính được nâng cao, năng lực thiết bị được cải thiện, bổ sung, đặc biệt là công tác quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch.
“Các doanh nghiệp sau CPH đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm. Những kết quả đó đã củng cố niềm tin cho người lao động, cán bộ lãnh đạo, các cấp quản lý và toàn xã hội”, Thứ trưởng Trường nói.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện