Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với 6 làn xe, đạt tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới được khánh thành toàn tuyến ngày 5/12 - Ảnh: Lã Anh |
Quý I/2016, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra. Nhìn lại mục tiêu mà nhiệm kỳ 5 năm (2011-2015) đặt ra, ngành GTVT đã làm được những gì? Từ số báo này, Báo Giao thông sẽ nhìn lại những việc đã làm được và chưa làm được của ngành GTVT.
Kỳ 1: Đột phá lớn trong xây dựng kết cấu hạ tầng
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến rõ rệt. Với sự đột phá trong công táchuy động vốn, hàng loạt công trình giao thông quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại đã được đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế đất nước.
Bộ mặt hạ tầng giao thông chuyển biến rõ rệt
Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13 ngày 16/1/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Dù trong bối cảnh nguồn lực khi đó rất khó khăn do thực hiện cắt giảm đầu tư công, nhiều công trình thiếu vốn phải đình hoãn, giãn tiến độ nhưng ngay khi Nghị quyết được ban hành, Bộ GTVT đã quán triệt và bắt tay ngay vào triển khai thực hiện. Trong công tác huy động nguồn lực, ngoài việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách, Trái phiếu Chính phủ, ODA, ngành GTVT đã có bước đột phá mới bằng việc thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
Vượt chỉ tiêu phát triển đường cao tốc Tại lễ khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng diễn ra ngày 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với việc đưa tuyến đường cao tốc này vào sử dụng, nước ta đã có 710 km cao tốc. Như vậy, so với chiến lược phát triển ngành GTVT là trong giai đoạn 5 năm từ 2010 - 2015 sẽ có 600 km đường cao tốc thì chúng ta đã vượt chỉ tiêu 110 km. Điều này càng có ý nghĩa khi chúng ta vượt chỉ tiêu trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Thủ tướng cũng cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 2 nghìn km đường cao tốc nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, nếu huy động tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo được cơ chế thông thoáng thì đến năm 2020 chúng ta còn có thể đạt 2.500 km đường cao tốc. Nếu đạt được mục tiêu này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để làm khâu đột phá, phát triển kinh tế - xã hội. |
Kết quả chỉ trong vài năm ngắn ngủi, từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách cho lĩnh vực đường bộ lên tới 186.660 tỷ đồng, gấp nhiều lần hàng chục năm trước cộng lại. Cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hình thành qua nhiều năm, giá trị đầu tư khoảng 18.997 tỷ đồng. Các cảng hàng không, sân bay phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không VN với 22 cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc...
Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ GTVT), bằng các giải pháp, chính sách được triển khai đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã có những chuyển biến rõ rệt. Hàng loạt công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác như: Các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; Các cầu có quy mô lớn như: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...
“Từ việc tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm của Bộ GTVT đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Hoằng nói và dẫn chứng, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc so với năm 2011.
Hạ tầng giao thông thay đổi rõ rệt trong những năm qua (Trong ảnh: QL1 qua xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế sau khi nâng cấp, mở rộng) - Ảnh: Ích Tín |
Cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao
Dưới góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm gắn bó với lĩnh vực GTVT, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đánh giá, trong 5 năm qua, ngành GTVT đã đạt được những kết quả rất to lớn trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo ông Long, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng ngành GTVT đã chủ động huy động mọi nguồn lực đầu tư bằng các hình thức xã hội hóa để đưa hàng loạt công trình tầm cỡ vào khai thác, sử dụng như: Dự án QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai... Ông Long cũng khẳng định, trong giai đoạn này, ngành GTVT đã có giải pháp đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm và xử lý triệt để tình trạng vượt tổng mức đầu tư so với thời gian trước. “Đây là những thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng ngành GTVT cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới”, ông Long nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng: “Quy luật tất yếu là khi anh làm nhiều, chắc chắn sẽ phải có những thiếu sót. Đơn cử như việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, có nhiều cái sẽ phải vượt qua những trình tự thủ tục thông thường nên có thể gặp phải những thiếu sót trong việc đảm bảo trình tự, thủ tục. Tôi đánh giá tiến độ dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vừa qua là rất tốt nhưng bây giờ ngành GTVT cần phải rà soát lại về mặt trình tự thủ tục xem cái gì còn thiếu, cái nào chưa hoàn thiện để bổ sung hoàn chỉnh thủ tục”.
ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn TP Hà Nội) khẳng định, lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong 5 năm qua đã có những bước đột phá rất lớn từ định hướng quy hoạch đầu tư đến kết quả thực tiễn được cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Hàng loạt tuyến đường bộ quan trọng như: QL1, đường Hồ Chí Minh... được đưa vào sử dụng với tiến độ được rút ngắn, chất lượng công trình đảm bảo đã góp phần tiết giảm thời gian đi lại, kéo giảm ùn tắc và TNGT, thúc đẩy phát triển KT-XH. “Tôi đặc biệt ấn tượng với hệ thống đường cao tốc và nhiều cây cầu với quy mô hiện đại mà ngành GTVT đã đầu tư không kém so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những kết quả đạt được của ngành GTVT trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng, nhưng ý nghĩa hơn cả đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của cử tri cả nước”, bà An nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, ngành GTVT đã làm được nhiều việc khi đưa hàng loạt công trình dự án phát triển hạ tầng vào khai thác, sử dụng. Đồng thời, ngành GTVT đã thành công trong việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để cùng tham gia phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông”.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề tồn tại ngành GTVT cần phải quan tâm, khắc phục trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thời gian tới như: Chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chính sách phát triển bền vững...
Những con số ấn tượng Đường bộ: Ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác hai đại công trình mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên với tiến độ rút ngắn từ 12 đến 18 tháng so với kế hoạch. Hàng loạt tuyến đường cao tốc với quy mô lớn và hiện đại khác như: Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân đã được đưa vào sử dụng. Đến nay, cả nước có khoảng 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra. Trong 5 năm qua, ngành GTVT đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000m dài cầu đường bộ. Đường sắt: Đã triển khai các dự án cải tạo cầu yếu, thông tin tín hiệu, gia cố sửa chữa các hầm đường sắt, thay thế tà vẹt cũ, kéo dài đường ga... nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu trên trục Bắc - Nam. Nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đưa vào khai thác đường sắt kết nối vào cảng Cái Lân... Đường thủy nội địa: Các tuyến đường thủy chính đã được đầu tư nâng cấp để trong hai năm 2015-2016 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1.082 km đường thủy, vùng Đồng bằng Bắc bộ có 462 km đường thủy nhằm nâng cao năng lực vận tải. Bộ GTVT đang nghiên cứu để tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư cho nâng cấp các tuyến đường thủy Chợ Lách - Măng Thít, Quảng Ninh - Hải Phòng - Nam Định - Ninh Bình, Việt Trì - Lào Cai. Hàng hải: Hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và nhiều cảng khác, đưa tổng công suất các cảng hiện nay lên khoảng 450 triệu tấn/năm. Bộ GTVT đang đầu tư cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cảng... Hàng không: Hoàn thành, đưa vào khai thác dự án Nhà ga T2 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng, Pleiku, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng không đang tăng rất nhanh. Chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII. Giao thông nông thôn: Trong 5 năm qua, ngành GTVT đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436 km đường giao thông nông thôn (GTNT); Mở mới 61.400 km đường thôn xóm; Xây mới 15.474 cầu; Cải tạo, sửa chữa 103.394 km đường GTNT, 11.503 cầu; Cứng hóa được 220.246/492.982 km đường GTNT... |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện