Năm 2016, đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác

Thứ ba - 03/11/2015 12:00. Xem: 121
Bộ trưởng Thăng cho biết, theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, năm 2016, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành và đưa vào khai thác.

 

duongsattrenkhong
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2016

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 chiều 2/11, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đã yêu cầu Bộ GTVT lý giải rõ nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tăng vốn thêm 315 triệu USD.

Thay đổi, bổ sung nhiều hạng mục

Trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, dự án này được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, sau khi tính toán điều chỉnh lại cũng như trượt giá và rất nhiều nguyên nhân khác, dự án tăng thêm 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Nguyên nhân được Bộ trưởng Thăng nêu ra gồm: thay đổi nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng vì không giải phóng được mặt bằng nên phải tăng chiều cao, bớt chiều rộng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu thành vỏ thép inox bởi nếu không điều chỉnh thì lại phải làm một nhà máy chỉ để chuyên sơn vỏ tàu; bổ sung chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm; công tác nghiệm thu thiết bị vận hành đoàn tàu; chi phí giải phóng mặt bằng, trượt giá vật liệu....

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phải hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2016.

Quan tâm tới các dự án giao thông ở từng địa phương

Bộ trưởng Bộ GTVT đã thể hiện sự quan tâm và sát sao đối với từng dự án giao thông ở mỗi địa phương khi dành thời gian trả lời thêm một số câu hỏi của ĐBQH về những dự án qua các địa phương cụ thể.

IMG_6426
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dành thời gian trả lời trước Quốc hội về một số dự án giao thông tại các địa phương cụ thể được ĐBQH nêu

Liên quan đến dự án QL1 qua Long An mà ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) nêu, Bộ trưởng Thăng cho biết, dự án QL1 từ TP HCM đến Cần Thơ đã được đầu tư mở rộng từ 2001, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Long An đã hoàn thành năm 2003 với quy mô đường cấp II, 4 làn xe cơ giới. Do đó, trong đề án mở rộng QL1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không bao gồm đoạn này. Riêng đoạn qua TP Tân An được đầu tư mở rộng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong Nghị quyết 65 của Quốc hội, đến nay đã hoàn thành với chiều dài khoảng 5km.

“Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục đường bộ VN tăng cường công tác duy trì bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến” – Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin thêm.

Trước câu hỏi của ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) về việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Long Xuyên – An Giang, Bộ trưởng Thăng cho biết hiện nay, Bộ GTVT đã đưa dự án này vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, Bộ cũng đưa dự án vào danh mục dự án kêu gọi nguồn vốn ODA và nhận thức tính cần thiết của nó, chắc chắn trong thời gian tới, dự án này sẽ được ưu tiên và triển khai.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu băn khoăn về việc hỗ trợ vốn đầu tư QL13 – Bình Phước. Trước hết, Bộ trưởng Thăng hoan nghênh việc tỉnh Bình Phước đã chủ động trong việc phát triển giao thông, không trông chờ vào ngân sách T.Ư mà chủ động kêu gọi đều tư theo hình thức BOT. Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ cùng tỉnh rà soát lại để báo cáo Chính phủ, xem xét hỗ trợ bằng một nguồn vốn khác.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây