Phối cảnh sân bay Long Thành
Giải phóng mặt bằng là việc khó khăn, phức tạp
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sau khi Dự án quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ GTVT công bố quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới trên thực địa. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn diện tích 282,35 ha, khu tái định cư Bình Sơn diện tích 282,3 ha và khu nghĩa trang Bình An 50 ha để bố trí, ổn định cuộc sống của các hộ dân thuộc diện giải tỏa khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án.
Ngày 25/5/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Khóa 13, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương xây dựng “Đề án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành” và “Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư” trình Trung Ương phê duyệt làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Tỉnh cũng tiến hành điều tra thực trạng dân cư, đất đai vùng dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai tiến hành tổ chức tham vấn ý kiến đại diện của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng bởi Dự án bằng phiếu khảo sát. “Kết quả 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, người dân mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng, đẩy nhanh tiến độ triển khai bởi trên thực tế người dân đã chờ đợi hàng chục năm qua”, ông Thái nói.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, để triển khai Dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân là công việc rất quan trọng và cấp thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân trong 5.000 ha vùng Dự án.
“Đây là vấn đề lớn với nhiều khó khăn phức tạp, vì vậy cần thiết phải có cơ chế, chính sách “đặc thù”, phù hợp trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc Dự án, đảm bảo để người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo tinh thần chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước”, ông Thái cho hay.
Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về cơ chế đặc thù cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dân cư vùng Dự án. Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án, đồng thời cho tạm ứng kinh phí để tỉnh Đồng Nai sớm triển khai thực hiện.
Theo phương án mà tỉnh Đồng Nai xây dựng, công tác bồi thương giải phóng mặt bằng, tái định cư được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, tiến hành thu hồi trên 2.557,8 ha thuộc địa bàn 4 xã Bình Sơn, Long An, Suối Trầu và xã Cẩm Đường với 1.808 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.067 hộ giải toả trắng (dự kiến hoàn thành trong 3 năm); giai đoạn 2 sẽ thu hồi trên 2.442 ha diện tích đất còn lại với 2.922 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có trên 2.500 hộ bị giải toả trắng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái phát biểu tại Hội thảo
Cấp thiết đẩy nhanh tiến độ Dự án
Tham luận tại Hội thảo, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng hàng không Việt Nam khẳng định, việc triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một nhiệm vụ cần thiết và hết sức cấp bách của ngành GTVT trong bối cảnh hiện nay khi thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển “nóng”, quá trình tự do hoá các hoạt động hàng không dân dụng, việc mở cửa bầu trời Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đang diễn ra mạnh mẽ.
“Việc đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thực sự trở thành một vấn đề cấp thiết của ngành GTVT. Theo yêu cầu của Quốc hội, đến năm 2020, giai đoạn 1 của Dự án sẽ đưa vào khai thác, tuy nhiên, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết đề hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của Dự án vào năm 2023”, ông Thanh thông tin.
Theo ông Thanh, đối với dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, công tác GPMB là việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nguồn vốn lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến vấn đề an sinh xã hội của người dân. “Công tác GPMB là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình nên cần sự vào cuộc của tất cả cơ quan, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ chơ chế, chính sách trong quá trình triển khai Dự án”, ông Thanh cho hay.
Bàn về cơ chế đặc thù cho Dự án, TS.Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nêu ý kiến: “Trong báo cáo có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách, nhưng vấn đề là "tiền đâu?". Nếu ngân sách không đáp ứng được dòng tiền mà Dự án yêu cầu thì phải nghĩ tới một cách huy động vốn khác”.
“Vậy sao chúng ta không đưa ra hình thức phát hành một loại trái phiếu để 5 nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng trong phạm vi mặt bằng của Dự án sẽ mua những trái phiếu này giúp cho quá trình đền bù giải tỏa thuận lợi hơn. Chúng ta phải có mục tiêu, tiêu chí để xử lý vấn đề này để làm sao những người dân sống trong khu đất của Dự án trở thành thị dân trong tương lai, để người dân khi không còn sống ở khu đất cũ nữa vẫn giữ được tình cảm khi hướng về tổ tiên”, ông Phước gợi ý.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) nhận xét, để triển khai Dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện được nhiều việc cần thiết. Hiện nay, 100% hộ dân ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án thì quá trình giải phóng mặt bằng sẽ có nhiều thuận lợi.
Dự án có diện tích thu hồi lớn, việc xây dựng khung chính sách, giải quyết việc làm cho người dân là việc rất cần thiết. Toàn bộ khung chính sách tương đối đầy đủ theo đúng quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, ông Chính kiến nghị, cần xã hội hóa trong việc định giá đất, huy động thêm các công ty tư vấn định giá đất... có cơ chế đặc thù để có thể mời thêm các công ty tư vấn định giá đất uy tín.
Theo quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20/7/2005, tổng diện tích quy hoạch Dự án khoảng 5.000ha, nằm trên địa phận 6 xã của huyện Long Thành bao gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước. |
Nguồn: Báo Giao thông
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện