Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động khủng bố quốc tế diễn ra với tính chất, mức độ, quy mô ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Phạm vi không còn nằm trong giới hạn của một quốc gia mà đã mang tính toàn cầu và đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của hầu hết các quốc gia, khu vực trên thế giới. Các tổ chức khủng bố quốc tế gia tăng, liên kết với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, phần tử ly khai tại chính các nước bản địa, tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia để tiến hành khủng bố.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng thông tin, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, từ năm 2001 đến nay trên thế giới đã xảy ra hơn 8.000 vụ khủng bố, làm trên 60.000 người chết, trên 120.000 người bị thương và đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Địa bàn khủng bố xảy ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới, song tập trung chủ yếu tại khu vực Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á và Châu Phi, trong đó đại đa số các vụ khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế, Hồi giáo cực đoan, nhóm li khai sắc tộc, tôn giáo chống chính quyền thực hiện.
Đặc biệt, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) từ tháng 6/2014 tại Iraq, tiến hành các hoạt động khủng bố man rợ như hành quyết con tin người phương Tây bằng hình thức chặt đầu, đe dọa tấn công khủng bố các nước trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia chống khủng bố, một số tổ chức khủng bố có thực lực và hoạt động mạnh hiện nay là: Al Qaeda, IS, Taliban, Boko Haram, Al Shabaad, Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Thái Lan…
Ở Việt Nam, Thứ trưởng cho biết đến nay chưa xảy ra khủng bố quốc tế và chưa phát hiện cơ sở, chân rết của tổ chức khủng bố quốc tế, nhưng cơ quan chức năng cũng đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy, bọn khủng bố quốc tế đang tìm cách tiếp cận địa bàn Việt Nam. Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng chục vụ đặt bom mìn, gây nổ mang tính chất khủng bố nhằm vào các cơ quan chính quyền, nhà riêng của một số cán bộ cao cấp địa phương như: vụ đặt mìn gây nổ tại TAND Thành phố Hà Nội, các vụ nổ ở TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Khánh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước…
Hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tham gia tập huấn
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện rất nhiều vụ đe dọa khủng bố với các hình thức khác nhau như: gửi bưu phẩm, bưu kiện chứa vũ khí chất nổ, chất bột lạ; gửi thư qua đường bưu điện, thư điện tử, nhắn tin hoặc gọi điện thoại đe dọa khủng bố đối với một số đồng chí cao cấp của Đảng, Nhà nước ở Trung ương, địa phương, Chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn, lãnh đạo các cơ quan truyền thông báo chí trong nước, nước ngoài; đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế nhất là các cơ quan của Mỹ, các nước đồng minh của Mỹ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển, sản xuất, mua bán, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ diễn ra theo chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp, nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
“Tình hình trên cho thấy, trong thời gian tới, nguy cơ có thể xảy ra các vụ khủng bố do các tổ chức, cá nhân khủng bố quốc tế thực hiện ở nước ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn là không thể loại trừ, bởi ở Việt Nam có đối tượng, mục tiêu mà các tổ chức khủng bố quốc tế đang tập trung tấn công, đó là công dân và các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ sở kinh tế, văn hóa của Mỹ và đồng minh. Trên lãnh thổ Việt Nam còn nhiều vũ khí, chất nổ… do chiến tranh để lại, chưa thu hồi hết; việc quản lý vũ khí, chất nổ, công cụ hỗ trợ còn nhiều sơ hở dễ bị bọn tội phạm lợi dụng hoạt động, trong đó có khủng bố” - Thứ trưởng cảnh báo.
Xuất phát từ tình hình trên, công tác phòng, chống khủng bố luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, xác định là một công tác lớn, quan trọng, trực tiếp liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Thứ trưởng đề nghị mỗi cán bộ, công nhân viên thuộc Bộ GTVT, đặc biệt là lực lượng trực tiếp làm công tác bảo vệ cần nghiên cứu quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống khủng bố và thấy được tính chất nguy hiểm của các hoạt động khủng bố, cũng như yêu cầu khách quan, cần thiết trong việc triển khai công tác PCKB và tính chất chính trị phức tạp của cuộc đấu tranh chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị tập trung quán triệt các nội dung cơ bản của hoạt động phòng, chống
đánh giá nguy cơ khủng bổ tại Việt Nam và phương pháp xử lý đối với các tình huống khẩn cấp
Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động nắm tình hình, tích cực chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện các tin tức có liên quan đến các hoạt động nghi vấn khủng bố trong lĩnh vực GTVT để phối hợp với lực lượng Công an có biện pháp nhanh chóng xác minh làm rõ, ngăn chặn kịp thời và làm thất bại các hoạt động phá hoại, khủng bố. Chủ động đối sách, xử lý kiên quyết có hiệu quả đối với các hoạt động khủng bố trong lĩnh vực GTVT, đảm bảo an toàn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản mà hoạt động khủng bố có thể gây ra.
“Sau Hội nghị này đề nghị các đồng chí tổ chức quán triệt các nội dung cơ bản của Hội nghị đến toàn thể cán bộ, công nhân viên đơn vị mình, tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống khủng bố, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, trong thời gian qua hoạt động của các tổ chức, cá nhân mang tính chất khủng bố diễn ra với mức độ, quy mô ngày càng phức tạp và nguy hiểm trên toàn thế giới, trong đó lĩnh vực GTVT trở thành mục tiêu nóng trong các âm mưu khủng bố, đặc biệt là hoạt động giao thông công cộng, nơi tập trung đông người, như vụ khủng bố ở Nhật Bản (1995), Hoa Kỳ (2001), Tây Ban Nha (2003), Anh (2005)…
"Nhận thức được sự nguy hiểm của hoạt động khủng bố, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ổn định xã hội, Bộ GTVT phối hợp với Cục Bảo vệ chính trị 5 tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, công nhân viên, người lao động ngành GTVT về công tác phòng, chống khủng bố" - ông Trần Bảo Ngọc nói.
Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố quốc gia chủ trì trình chiếu video về phòng, chống khủng bố tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Đại tá Hà Minh Chân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị V, Tổng cục An ninh (Bộ Công an); Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia chủ trì trình bày các nội dung: Chiếu video về phòng, chống khủng bố; quán triệt các nội dung cơ bản của hoạt động phòng, chống và các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan, đơn vị; đánh giá nguy cơ khủng bổ tại Việt Nam, phương pháp xử lý đối với các tình huống khẩn cấp như cháy nổ, mắc bệnh tử vong hàng loạt khi xảy ra và hướng dẫn xây dựng phương án phòng, chống khủng bố tại các cơ quan, đơn vị.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện