Trạm thu phí tự động không dừng tích hợp hệ thống cân kiểm tra tải trọng. Ảnh: Văn Thanh |
Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư BOT sớm lắp đặt trạm thu phí tự động không dừng, để đến ngày 1/5/2016 có thể thực hiện đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14).
Tháng 11/2015 dán thẻ E-Tag tại các trạm đăng kiểm
Về tình hình thương thảo, ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư (NĐT) trong việc lắp đặt các trạm thu phí (TTP) tự động không dừng theo công nghệ RFID trên QL1, QL14 tại buổi họp mới đây, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, tổng số có 37 TTP trên QL1 và QL14 trong phạm vi dự án. Đến nay, Bộ GTVT đã gửi văn bản lấy ý kiến các NĐT. Tính đến ngày 15/10 có 7 NĐT đã trả lời và đồng thuận. Các NĐT còn lại đã được gửi hợp đồng và đang xem xét việc ký kết.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, công nghệ thu phí tự động không dừng đã được Bộ GTVT triển khai cách đây 1 năm. Đây là công nghệ đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và khu vực. Hiện Việt Nam đang phổ biến hình thức thu phí “một dừng” nên khi xe qua TTP vẫn phải dừng lại để mua và xé vé dẫn đến mất thời gian và phải dừng xe nhiều lần, gây ức chế cho lái xe. Thu phí “một dừng” còn phải duy trì hệ thống nhân lực và xây dựng các TTP, duy trì đội ngũ nhân lực tốn kém. Trong khi nếu chuyển sang thu phí tự động không dừng sẽ cho phép phương tiện có thẻ tài khoản không phải dừng xe, có thể đi ở tốc độ 40km/h và chỉ sử dụng rất ít nhân lực.
“Sau một thời gian đi vào hoạt động, công nghệ RFID có thể sẽ được nâng cấp lên và bỏ barie như Đài Loan đang làm. Khi đó phương tiện có thể chạy với tốc độ 120km/h khi qua TTP. Chúng ta là đất nước đang phát triển, vì vậy cần chọn công nghệ nào đó phù hợp để 5 - 10 năm nữa không bị lạc hậu, không phải mất những chi phí không đáng có”, Thứ trưởng Trường nói.
Đến thời điểm 30/4/2016, những đơn vị nào không chấp hành, Bộ GTVT sẽ dừng không cho thu phí vì như vậy là cản trở việc lưu thông. Tiến tới năm 2020 sẽ kết thúc việc thu phí một dừng, chuyển hoàn toàn sang thu phí tự động”. Thứ trưởngNguyễn Hồng Trường |
Được biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho áp dụng thí điểm công nghệ thu phí không dừng RFID trên QL1 và QL14. Đến nay, Bộ GTVT đã mở rộng áp dụng công nghệ này trên một số tuyến cao tốc. Tuy nhiên, để từng bước hội nhập công nghệ này, Bộ GTVT đã chỉ đạo trước mắt chọn một NĐT để chuyển giao công nghệ và đơn vị được chọn là một công ty cổ phần của TASCO để tiếp nhận về và chuyển giao cho các TTP trên cả nước.
Triển khai công nghệ này, các TTP sẽ xây dựng theo kiểu mới, không có mái che và nhà điều hành như trước mà chỉ là một giàn không gian hoàn toàn bằng các ống thép để lắp đặt các thiết bị nhận biết đầu - cuối, chia luồng. Tại mỗi TTP tự động sẽ quy định duy trì ít nhất một cửa “một dừng” kết hợp với các cửa tự động để đảm bảo trong thời gian đầu, các phương tiện chưa quen vẫn có thể qua trạm.
Về phương thức thu phí, việc thu phí “một dừng” vẫn do NĐT tự thu còn thu phí tự động sẽ có một trung tâm điều khiển đứng ra thực hiện và thông qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tính toán trích phần trăm tiền thu phí để công ty này hoạt động. Khi đó, mỗi ngày có bao nhiêu xe qua trạm, thu được bao nhiêu tiền, cả NĐT, trung tâm điều khiển, ngân hàng đều nắm được hết, đảm bảo sự công khai, minh bạch. Trung tâm điều khiển hoàn toàn thực hiện như một đơn vị sự nghiệp để duy tu, sửa chữa những thiết bị hư hỏng, đảm bảo các trạm hoạt động liên tục 24/24h.
Được biết, việc dán thẻ E-Tag (thẻ định danh, được dán trên kính xe) và nạp tài khoản vào thẻ sẽ được thực hiện ngay từ tháng 11/2015 tại các trạm đăng kiểm.
Nhà đầu tư không phải bỏ tiền lắp đặt
Về nguồn kinh phí thực hiện dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lấy từ nguồn XHH. Đây là công nghệ Chính phủ yêu cầu bắt buộc phải làm để hội nhập quốc tế, trong khi NĐT hoàn toàn không phải bỏ tiền ra để làm mà sẽ được tính vào chi phí đầu tư dự án. Tiền đầu tư sẽ được tính vào thu phí hoàn vốn trong phương án quyết toán cuối cùng. Sau khi các dự án hoàn thành quyết toán được cộng nguồn đầu tư này vào và thu phí hoàn vốn trong khoảng thời gian nhất định.
Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt toàn bộ đơn giá dự toán các TTP tự động và giao cho nhà thầu lắp đặt theo đơn giá được phê duyệt nên không sợ đắt, rẻ, sai tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ hướng dẫn việc lắp trạm cân tự động bằng công nghệ thạch anh, có độ chính xác tới 98%. Đây là yêu cầu bắt buộc để kiểm soát tải trọng xe trên QL1, QL14. Từ nay đến cuối năm sẽ đưa vào khai thác toàn bộ QL1, QL14, đồng thời phải thực hiện thu phí theo công nghệ này để tạo điều kiện cho lưu thông nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn cho các DN vận tải và minh bạch hoá công tác thu phí.
Để bảo đảm tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Ban PPP triển khai ký hợp đồng với tất cả các NĐT BOT. Nhà đầu tư nào không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, sẽ xem xét dừng dự án. Chậm nhất, việc lắp đặt phải hoàn thành trước ngày 30/4/2016 để từ ngày 1/5/2016, toàn bộ 37 trạm trên QL1 và QL14 phải thực hiện thu phí tự động.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện