Nhà thầu bảo trì đường bộ sẽ được phân hạng để phù hợp với nhóm dự án bảo trì đường bộ |
Xây dựng tiêu chí, loại bỏ “thông thầu”
Việc đánh giá đúng năng lực nhà thầu sẽ hạn chế tình trạng “thông thầu” hay làm “hồ sơ đẹp” khi lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác bảo trì đường bộ. Theo ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN), trước đây một số nhà thầu yếu kém vẫn tham gia đấu thầu các gói bảo trì đường bộ bởi thiếu sự giám sát của chủ đầu tư. Nhiều trường hợp được phê duyệt trúng thầu nhưng quá trình triển khai thể hiện yếu kém về năng lực tài chính.
“Sửa chữa định kỳ đường bộ cần phải đổi mới, trình tự đầu tư và bảo hành phải như xây dựng cơ bản mới đảm bảo chất lượng. Nhà thầu phải đủ năng lực và kinh nghiệm, có trang thiết bị, công nghệ mới, con người phù hợp với quy mô từng dự án”, ông Sỹ nói.
"Chúng tôi đang cập nhật những quy định pháp luật nhằm phân loại doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để từ đó phân loại năng lực nhà thầu tham gia bảo trì. Bên cạnh đó, cũng phải tính tới tính chất công trình, nếu bảo trì trên đường cao tốc, yêu cầu thiết bị, trình độ cơ giới hóa phải cao hơn đối với những tuyến đường vùng sâu, vùng xa”. Ông Lê Hồng Điệp |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, thời gian tới, công tác sửa chữa định kỳ sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá năng lực nhà thầu nhằm loại các doanh nghiệp yếu kém, có vi phạm về chất lượng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nguồn lực tài chính, trang thiết bị và con người để đáp ứng yêu cầu. Tất cả các tiêu chí đều hướng tới việc đấu thầu lành mạnh.
“Giá trị công trình bảo trì không lớn nhưng lại có phạm vi rất rộng và phân tán nên chúng tôi không đặt ra vấn đề xây dựng tiêu chuẩn quá cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp, vì như vậy sẽ dẫn đến hạn chế trong đấu thầu. Xây dựng các quy định chặt chẽ và đồng bộ hơn là để hướng tới hoàn thiện dần hệ thống thể chế quy định về quản lý bảo trì ngày càng hiệu quả hơn nhưng vẫn tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp”, ông Điệp nói.
Nhà thầu biết rõ vị trí của mình
Để xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu bảo trì, ngoài việc đảm bảo các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng còn phải sát với tính chất của bảo trì công trình đường bộ như về quy mô sửa chữa, cấp hạng công trình. Chẳng hạn, đối với công trình có mức độ phức tạp (cấp I, II, cấp đặc biệt), khi sửa chữa lớn cần thay đổi kết cấu chịu lực, nhà thầu phải có năng lực tương ứng với tính chất của công tác xây dựng cơ bản. Trường hợp sửa chữa cục bộ, nhỏ lẻ hoặc chỉ sửa chữa khe co giãn cầu, không cần quy định về năng lực tương ứng với cấp công trình.
Cũng theo ông Điệp, đối với các dự án sửa chữa định kỳ đường bộ sẽ phải tuân thủ điều kiện năng lực quy định tại Luật Xây dựng và Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng công trình như: lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng… Trong dự thảo tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu bảo trì lần này, nhà thầu sẽ được xếp hạng với những tiêu chí cụ thể. Các nhà thầu sẽ căn cứ vào thứ hạng của mình để đăng ký tham gia dự thầu các gói thầu phù hợp với năng lực của mình.
Về điều kiện năng lực chung, đối với từng chức danh của tổ chức, cá nhân sẽ được phân theo ba hạng. Đối với chức danh giám sát, năng lực ở hạng nào sẽ được giám sát công trình cấp tương ứng. Trong mỗi hạng, nhà thầu phải có chỉ huy trưởng công trường, có cán bộ chuyên môn, số lượng công nhân và người quản lý chất lượng phù hợp với từng nhóm dự án. Như khi sửa chữa bằng bê tông asphalt, nhà thầu phải có cán bộ chỉ huy, công nhân có kinh nghiệm thi công bê tông nhựa; phải có những thiết bị cơ bản như trạm trộn bê tông nhựa, máy rải, dây chuyền lu...
“Việc triển khai các quy định trên còn vướng mắc do các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 59 chưa được ban hành. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị Bộ GTVT xem xét cho phép áp dụng thí điểm quy định năng lực nhà thầu bảo trì đối với các dự án bảo trì đường bộ trong kế hoạch năm 2016. Sau khi Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định trên, Tổng cục sẽ hoàn chỉnh, đánh giá tổng kết để báo cáo Bộ GTVT cho áp dụng vào các năm tiếp theo”, ông Điệp nói.
Là doanh nghiệp có nhiều năm tham gia bảo trì đường bộ, ông Lại Huy Xuân, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 cho rằng, hiện đã có các tiêu chí dự thầu nhưng chưa cụ thể, hồ sơ mời thầu nào cũng đưa ra tiêu chí chung chung nên các nhà thầu bị động. Nếu có các tiêu chí cụ thể, nhà thầu sẽ chủ động hơn khi tham gia đấu thầu.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện