Thi công dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát - Ảnh: Văn Thanh |
Đây là khẳng định của Bộ GTVT trong thông cáo báo chí phát đi ngày hôm qua (9/9) khi trả lời về một số nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư và thời gian thu phí đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT.
Tổng mức đầu tư được duyệt chỉ là giá trị đàm phán
Theo Bộ GTVT, vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Trong đó có nội dung về xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác gây thiệt hại, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, đối với một số dự án BOT mà Bộ KH&ĐT tiến hành thanh tra, ngay sau khi có dự thảo và kết luận thanh tra, Bộ GTVT đã có văn bản giải trình Bộ KH&ĐT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ cách xác định tổng mức đầu tư cũng như xác định giá trị quyết toán để điều chỉnh thời gian hoàn vốn dự án.
“Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư các dự án BOT được lập bởi các đơn vị tư vấn hàng đầu, có năng lực như TEDI, TEDIS, Tư vấn Trường Sơn. Tổng mức đầu tư được duyệt chỉ mới là giá trị đàm phán, xác định thời gian hoàn vốn ban đầu với nhà đầu tư; Quá trình thực hiện đầu tư nhằm chuẩn xác giá trị thực tế thực hiện dự án, công tác thẩm tra dự toán được giao cho các đơn vị có năng lực kinh nghiệm như Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng thực hiện”, Bộ GTVT nêu rõ.
Cùng đó, Bộ GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ giá thành, chất lượng tiến độ, đã thành lập các tổ thường xuyên rà soát trình tự thủ tục, dự toán các dự án BOT và đã có các văn bản chỉ đạo cơ quan liên quan thực hiện kết luận của các tổ rà soát. Theo quy định tại tất cả các Hợp đồng BOT đã ký kết thì giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng điều chỉnh nhằm xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.
Sau khi rà soát và điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án hầm Đèo Cả đã giảm hơn 4 nghìn tỷ nhưng luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng - Ảnh: Tiến Mạnh |
Thời gian thu phí dự án BOT, BT tính theo giá trị quyết toán
Về kết luận xác định kinh phí đầu tư một số hạng mục trong tổng mức đầu tư chưa chính xác gây thiệt hại cho ngân sách, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 112 năm 2009 của Chính phủ: “Tổng mức đầu tư là chi phí dự tính của dự án. Tổng mức đầu tư là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình”. Trong bước lập dự án đầu tư, không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đầu tư xây dựng công trình. Thậm chí, trong Thông tư số 04/2010 của Bộ Xây dựng còn cho phép tính tổng mức đầu tư dựa trên suất vốn đầu tư xây dựng công trình.
Một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện dự án mà cơ quan Thanh tra kết luận, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện. Đồng thời, Bộ GTVT đã có Văn bản số 12028 ngày 8/9/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng đối với một số nội dung kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT. |
“Do vậy, giá trị tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) không phản ánh đúng chi phí thực tế thực hiện công trình nên trong Hợp đồng BOT, Bộ GTVT và nhóm công tác liên ngành (gồm có Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, địa phương liên quan) đã quy định sử dụng giá trị quyết toán được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là giá trị cuối cùng để xác định thời gian hoàn vốn cho dự án”, thông cáo của Bộ GTVT nêu rõ.
Cũng theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn, phục vụ đàm phán lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí và càng không thể khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí. Trong quá trình Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán một số dự án BOT cũng đã ghi nhận nội dung này và không kết luận thất thoát hay gây thiệt hại cho ngân sách.
Để giám sát chặt chẽ, các dự án BOT, ngày 28/4/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 4771 chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án BOT để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại ngay trong quá trình thi công, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót, gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thi công công trình và đến nay có bốn dự án đã có thông báo kết luận kiểm toán.
Thời gian thu phí luôn biến thiên
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tổng Công ty XDCTGT4 (Cienco4) khẳng định: “Chẳng có dự án nào khi ký hợp đồng BOT mà chốt được tổng mức đầu tư và thời gian thu phí chính xác. Do đó, tổng mức đầu tư được phê duyệt chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn”.
Theo ông Huỳnh, tổng mức đầu tư của dự án gồm tổng các loại chi phí: xây dựng, giải phóng mặt bằng, dự phòng, lãi suất trong thời gian xây dựng,… nhưng trong giai đoạn chuẩn bị dự án, không thể biết được khối lượng cụ thể để tính ra chi phí xây dựng cũng như chi phí giải phóng mặt bằng của công trình một cách chính xác.
“Đơn cử như tổng mức đầu tư của dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát được phê duyệt ban đầu là hơn 3.600 tỷ đồng, nhưng thực tế tổng mức của dự án này mới hết khoảng trên 2.900 tỷ đồng. Số dư còn lại đã được chấp thuận bổ sung xây dựng thêm các hạng mục khác như hai cầu vượt đường sắt, nhánh Tây Nghi Sơn,…”, ông Huỳnh dẫn chứng và cho biết thêm, sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng, dự án sẽ tiến hành quyết toán để lấy số liệu cuối cùng cập nhật vào thông tư thu phí. Dự án muốn quyết toán được thì phải chờ kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập để lấy số liệu đưa vào phương án tài chính.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Cienco4 nhấn mạnh, kể cả khi dự án đã có phương án tài chính thì thời gian thu phí hoàn vốn công trình cũng không thể “chốt” được bởi nó liên tục biến thiên do phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của lưu lượng xe, thông tư thu phí, lãi suất ngân hàng,… Chẳng hạn, trong phương án tài chính của dự án BOT đưa ra thời gian thu phí là 14 năm nhưng tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm lớn hơn so với dự kiến thì chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí xuống 12 hoặc 13 năm tùy thuộc vào tình hình thực tiễn”, ông Huỳnh nói.
Trong khi đó, đối với dự án hầm đường bộ Đèo Cả được thực hiện theo hình thức BOT và BT, trong đó phần vốn BOT chiếm khoảng 66%. Tham luận tại Hội thảo Vốn để phát triển hạ tầng giao thông mới đây, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, dự án được khởi công từ tháng 11/2012, dự kiến hoàn thành giai đoạn xây dựng vào tháng 7/2017 với tổng mức đầu tư ban đầu 15.603 tỷ đồng đã được điều chỉnh xuống còn 11.378 tỷ đồng mà không thay đổi mục tiêu đầu tư.
Ông Hoàng cho biết thêm, trong quá trình triển khai dự án, bằng nhiều giải pháp quản trị phù hợp, điều chỉnh hình thức vay vốn, nghiên cứu điều chỉnh một số giải pháp thiết kế kỹ thuật,… của nhà đầu tư nên tổng mức đầu tư dự án đã giảm hơn 4 nghìn tỷ đồng và suất đầu tư thấp hơn đến 37% so với dự án hầm Hải Vân được thực hiện bằng vốn ODA. “Đến nay, dự án luôn đảm bảo về tiến độ và chất lượng, được hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá tốt và được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao cho tiếp tục đầu tư xây dựng hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân”, ông Hoàng cho hay.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện