Cầu Vĩnh Thịnh sử dụng vốn Hàn Quốc - Ảnh: Lê Hiếu |
Thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), nhiều năm qua, Hàn Quốc đã và đang tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Hàng chục dự án lớn thực hiện bằng vốn tài trợ của Hàn Quốc
Khẳng định Hàn Quốc là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai sau Nhật Bản cho ngành GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, từ năm 1996, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ nguồn vốn khoảng 24 triệu USD để Việt Nam thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp QL18. Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính khu vực, nguồn vốn viện trợ từ Chính phủ Hàn Quốc sau đó bị tạm ngừng và đến năm 2007, Hàn Quốc mới nối lại viện trợ vốn vay cho ngành GTVT.
Cũng theo Thứ trưởng Trường, một số dự án lớn đã được Bộ GTVT triển khai và hoàn thành dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc với tổng giá trị 378,46 triệu USD gồm: Cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Chí Linh - Biểu Nghi (36 triệu USD); Xây dựng cầu Vĩnh Thịnh (100 triệu USD); Hệ thống ITS cao tốc TP HCM - Trung Lương (30 triệu USD) và Dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1 (202,46 triệu USD).
5 dự án khác với tổng giá trị 615,84 triệu USD đang triển khai gồm: Xây dựng cầu Vàm Cống; Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Đường dẫn đầu cầu Vàm Cống; Xây dựng cầu Hưng Hà và Dự án xây dựng cầu Thịnh Long.
Ngoài các dự án trên, phía Việt Nam cũng đang đề xuất Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tài trợ vốn cho 7 dự án khác với tổng trị giá 1.224 triệu USD gồm Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 - TP HCM (200 triệu USD); Dự án tín dụng ngành xây dựng các cầu kết nối các quốc lộ (100 triệu USD); Dự án cải tạo đèo Khe Nét (Km414 - Km 423) tuyến đường sắt Thống nhất (85 triệu USD); Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện (Km358+000 - Km369+620) tuyến đường sắt Thống Nhất (68 triệu USD); Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Liên Khương (442 triệu USD); Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn Tân Thành - Vũng Tàu (222 triệu USD) và Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM, giai đoạn 2 (107 triệu USD).
Một thông tin khác được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) chuẩn bị hai dự án hợp tác theo hình thức viện trợ không hoàn lại gồm Dự án hỗ trợ kỹ thuật Nâng cao năng lực quản lý và khai thác (O&M) mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam (Viện trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD) và Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.
6 hãng hàng không khai thác các đường bay Việt Nam - Hàn Quốc
Ngoài đường bộ, hàng không là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ. Ông Lưu Văn Đoan, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Hàng không VN) cho biết: từ năm 1993, Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức được ký kết...
Hiện tại, trên thị trường hàng không giữa hai nước có 6 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air của Việt Nam và Korean Air (KE), Asiana Airlines (OZ), Jeju Air (7C) và Air Busan (BX) của Hàn Quốc đang khai thác các đường bay giữa Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM tới Seoul (ICN) và Busan.
Thống kê cho thấy, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam - Hàn Quốc 7 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 1,4 triệu lượt khách, hơn 52 nghìn tấn hàng hóa, tăng 33% về hành khách và 25% hàng hóa so với cùng kỳ năm 2014. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 74,4%.
Cùng với hàng không, đường bộ, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về Hàng hải cũng có những bước tiến đáng kể. Trên thực tế, hợp tác về Hàng hải chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đóng tàu, thiết kế, xây dựng cảng biển và cung cấp tín dụng xuất khẩu để đầu tư đội tàu, xây dựng và mua sắm thiết bị bốc xếp. Bộ GTVT hiện đang kêu gọi phía Hàn Quốc tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nói trên nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước.
* Trong các ngày từ 9-12/9, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn đầu sẽ tới Hàn Quốc tham dự Diễn đàn ASEM về mạng lưới GTVT và Logistics Á Âu. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng sẽ có cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Đất đai, cơ sở hạ tầng GTVT Hàn Quốc Yoo Il-ho, làm việc với Chủ tịch Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Ngoài ra, Bộ trưởng cũng sẽ thăm và khảo sát một số công trình GTVT Hàn quốc trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, đường sắt và hàng không. * Bên cạnh các dự án hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ công tác trong ngành GTVT. Thông qua các chương trình hợp tác đào tạo song phương cũng như các chương trình hợp tác đa phương có sự tham gia của Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các khóa học tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực đường bộ cao tốc, hàng không, đường sắt, hệ thống giao thông thông minh (ITS), quản lý phát triển cảng biển... |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện