Kinh nghiệm nâng cao năng lực kỹ sư về phát triển hạ tầng của Nhật Bản

Thứ năm - 22/05/2014 13:00. Xem: 105
 (Xây dựng) - Ngày 21/5/2014, tại Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã diễn ra Hội thảo “Kinh nghiệm Nâng cao Năng lực Kỹ sư về Phát triển Hạ tầng của Nhật Bản và Giao lưu Kỹ sư Việt Nam - Nhật Bản lần 1”. Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của Trường ĐHXD và Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản (JSCE) cùng Trung tâm Xúc tiến Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản (CJV), dưới sự bảo trợ của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT); Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

 


Hội thảo là một trong những cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư của Việt Nam

Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có sự tham gia của TS. Lê Văn Thành - Hiệu trưởng trường ĐHXD; Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA); TS. Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, Bộ Xây dựng; TS. Lê Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, Bộ Xây dựng, Thư ký Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Bộ Giao thông Vận tải; TS. Phan Hữu Duy Quốc, Ban Quốc Tế, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản; Đồng giám đốc trung tâm CJV; TS. Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, trường ĐHXD, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản cùng sự tham của rất nhiều đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường ĐHXD.

Về phía Nhật Bản, tham dự hội thảo có sự tham gia của ông Hirofumi Miyake, Tham tán ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Kenichi Yamamoto, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam; Ông Kotaro Hashimoto, Chủ tịch JSCE, nguyên Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản; Ông Toru Shimizu, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cùng sự tham dự của nhiều chuyên gia của Tập đoàn Shimizu và Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản.


TS. Lê Văn Thành - Hiệu trưởng trường ĐHXD phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường ĐHXD cho biết, trường ĐHXD là trường đầu tiên của Việt Nam đào tạo kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư. Hơn 58 năm đào tạo, trường đã cung cấp cho xã hội trên 60 ngàn kỹ sư, kiến trúc sư, trên 4000 Thạc sỹ, Tiến sỹ. Trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu với mục tiêu sinh viên ra trường phải có việc làm và làm việc hiệu quả.

Trong những năm gần đây, trường ĐHXD đã kết hợp với nhiều hội nghề nghiệp, nhiều tổ chức xây dựng trong nước và quốc tế liên tục tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho kỹ sư xây dựng. Mục đích của hội thảo này là nhằm giới thiệu về chất lượng các công trình xây dựng tại Việt Nam và Nhật Bản; cách thức tổ chức, quản lý nâng cao chất lượng kỹ sư xây dựng của Nhật Bản cũng như việc cấp chứng chỉ chuyên nghiệp của ngành.

Ông Kotaro Hashimoto, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản nhấn mạnh tại hội thảo: Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản rất hân hạnh được hợp tác với nhiều tổ chức, ban ngành xây dựng tại Việt Nam, đặc biệt hợp tác với trường ĐHXD, thành lập Trung tâm Xúc tiến, Giao lưu Kỹ sư Việt Nam – Nhật Bản (CJV). Kể từ khi thành lập, hai bên đã triển khai nhiều công việc cụ thể. Vấn đề đào tạo kỹ sư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, làm nòng cốt cho sự phát triển hạ tầng của Việt Nam. Vì vậy, Hiệp hội mong muốn đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển hợp tác để giúp cho Việt Nam trong phát triển, đào tạo nhân lực kỹ sư được vững mạnh.


Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam “Hội thảo này rất có ý nghĩa cho Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực kỹ sư”

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: trình độ năng lực của kỹ sư, tình thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ, hiệu quả kinh tế… Vì thế, hội thảo này rất có ý nghĩa cho Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực kỹ sư, phục vụ cho lĩnh vực phát triển hạ tầng.


TS. Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng nhấn mạnh Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến chất lượng và an toàn công trình xây dựng

Nhận định về tầm quan trọng của chất lượng công trình xây dựng, TS. Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng và an toàn công trình xây dựng. Bộ đang soạn thảo, chỉnh sửa bổ sung các văn bản pháp quy về chủ đề này. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phía các chuyên gia Nhật Bản. Hội thảo này cũng là một trong những cơ hội mà Nhật Bản mang đến cho Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư của Việt Nam, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa ngành xây dựng.


Ông Hirofumi Miyake, Tham tán ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định với kinh nghiệm của mình, Nhật Bản luôn sẵn sàng chia sẻ tri thức cho Việt Nam

Còn ông Hirofumi Miyake, Tham tán ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được củng cố mạnh mẽ. Chính phủ Nhật Bản rất kỳ vọng vào sự hợp tác phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là phát triển hạ tầng như cầu cảng, xử lý nước thải, đào tạo… Công tác đào tạo kỹ sư chuyên ngành là chủ đề vô cùng quan trọng trong xây dựng và phát triển hạ tầng. Với kinh nghiệm của mình, Nhật Bản luôn sẵn sàng chia sẻ tri thức cho Việt Nam.


Ông Kenichi Yamamoto, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh JICA sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành trong phát triển hạ tầng tại Việt Nam

“Cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, các trường đại học và các ban ngành khác, JICA sẽ kết hợp chặt chẽ trong phát triển các dự án hạ tầng tại Việt Nam. Trong quá trình hợp tác nếu có những khó khăn sẽ cùng nhau thảo luận, tháo gỡ vấn đề hoặc trình chính phủ để ngày càng cải thiện môi trường hợp tác hơn nữa. Hội thảo này có ý nghĩa kết nối, hợp tác trao đổi giữa các bên liên quan.”–ông Kenichi Yamamoto, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh.


Chụp hình lưu niệm một số thành phần chính tham gia hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên đề được trình bày bao gồm: Phát triển hệ thống đường cao tốc tại Nhật Bản: Thách thức về kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực; Các vấn đề về chất lượng và an toàn của các dự án xây dựng tại Việt Nam và nhu cầu nguồn kỹ sư chuyên nghiệp; Nâng cao chất lượng công trình sử dụng hệ thống đánh giá kỹ sư; Hệ thống quản lý chất lượng và đào tạo kỹ sư trong một công ty xây dựng tiêu biểu của Nhật Bản; Hệ thống quản lý chất lượng giao thông; Hệ thống đào tạo và đánh giá kỹ sư của JSCE; Vai trò và yêu cầu của kỹ sư tư vấn giám sát trong quản lý chất lượng công trình xây dựng; Vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo và nâng cao năng lực kỹ sư; Thảo luận bàn tròn về đào tạo kỹ sư xây dựng.

Qua các nội dung này, hội thảo chính là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu và thảo luận để có những đề xuất phù hợp cho sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt là việc đánh giá và đào tạo cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp trong thời gian tới.

Những nhận định chung trong buổi Thảo luận Hội thảo

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều thách thức nảy sinh trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật (HTKT): những yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và chất lượng xây dựng đáp ứng chuẩn quốc tế, thị trường xây dựng có tính cạnh tranh cao, nhu cầu nguồn nhân lực để thực hiện quá trình đô thị hóa…Những thách thức này đặt ra các yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng và phát triển đô thị.

Các kỹ sư xây dựng khi tốt nghiệp trường ĐH thì chỉ được trang bị những kiến thức rất cơ bản về chuyên môn, chưa có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Vì vậy, việc tiếp tục được đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ, các kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế là rất cần thiết , đặc biệt là đối với kỹ sư chuyên ngành xây dựng và phát triển HTKT.

Việc thường xuyên đào tạo, kiểm tra đánh giá trình độ chuyên môn của kỹ sư xây dựng không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của các trường đại học mà còn là trách nhiệm của chủ đầu tư, của các Doanh nghiệp sử dụng nhân lực, các tổ chức nghề nghiệp liên quan và những nỗ lực của mỗi cá nhân, để nhận thức được yêu cầu tự nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp.

Đánh giá năng lực kỹ sư xây dựng là một việc làm rất quan trọng, không chỉ giúp cho người kỹ sư hiểu rõ về khả năng của họ, mà còn giúp định hướng nghề nghiệp và tạo ra những động lực tích cực cho người kỹ sư.

Ở các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chính phủ không thể có đủ nguồn lực để vừa xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện tất cả các đánh giá, cấp chứng chỉ chuyên nghiệp cho kỹ sư mà cần phải xã hội hóa quá trình trên để đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời đem lại lợi ích thật sự cho các bên. Tuy nhiên, việc xã hội hóa quá trình đánh gia, nâng cao chất lượng kỹ sư chuyên nghiệp cần phải đi kèm với các điều kiện cụ thể và sự quản lý chặt chẽ.

Việc đào tạo, nâng cao chất lượng thường xuyên, cho điểm kỹ sư khi tham gia vào các hoạt động chuyên môn, cấp chứng chỉ nghề cho kỹ sư chuyên nghiệp … là các công cụ, cách thức hữu hiệu mà chúng ta cần nghiên cứu, triển khai, áp dụng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

Nguồn:baoxaydung.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây