Kiểm điểm tình hình tiến độ Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thứ ba - 22/04/2014 13:00. Xem: 108
Sáng 22/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với các nhà thầu nước ngoài về Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cùng dự họp có Thứ trưởng Trương Tấn Viên; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan; Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam và các Nhà thầu quốc tế thi công các gói thầu xây lắp chính của Dự án.

 Tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã báo cáo tình tình thực hiện thi công các gói thầu xây lắp chính của 06 Nhà thầu quốc tế Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với nội dung chi tiết các hạng mục, công việc chậm tiến độ tại các gói thầu này so với kế hoạch thi công đến tháng 4/2014; đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc mà các Nhà thầu hiện nay đang gặp phải ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Cũng theo báo cáo tình hình triển khai Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Liên danh Tư vấn VJEC (đơn vị đảm nhiệm công tác giám sát thi công 09 gói thầu xây lắp thuộc Dự án), đối với công tác quản lý tiến độ, tính đến ngày 17/4/2014, tiến độ Dự án đạt trung bình 55,5%/56%, chậm 5%. Mặc dù tiến độ hiện tại của các gói thầu là chậm không đáng kể so với kế hoạch mới vừa gia hạn, tuy nhiên nếu xem xét với Kế hoạch đầu năm 2014 (trước khi gia hạn thời gian hoàn thành) thì tiến độ thực tế bị chậm rất nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là các nguyên nhân chậm tiến độ từ phía Nhà thầu vẫn chưa được Nhà thầu khắc phục triệt để, do đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công gói thầu. Đặc biệt, tại một số gói thầu, mặc dù tiến độ thực tế trượt so với kế hoạch điều chỉnh là không đáng kể, tuy nhiên tại các đường găng thì đang bị chậm và nếu Nhà thầu không nỗ lực để để khắc phục bù tiến độ thì chắc chắn gói thầu sẽ không hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ; một số Nhà thầu chính phụ thuộc vào các Nhà thầu phụ và các nhà cung cấp vật liệu trong nước, không quyết liệt chỉ đạo các Nhà thầu phụ huy động đủ máy móc thiết bị và nhân lực để thi công theo đúng kế hoạch; các Nhà thầu không chủ động được tiến độ cung cấp vật liệu do chậm thanh toán cho Nhà cung cấp hoặc hợp đồng ký kết với các Nhà cung cấp không đủ mạnh hoặc không có cam kết ràng buộc; một số gói thầu Giám đốc Dự án thường xuyên vắng mặt làm ảnh hưởng đến công tác điều hành của Nhà thầu; công tác nội nghiệp của Nhà thầu rất kém; hầu hết các Nhà thầu không có bộ phận lập kế hoạch, theo dõi và quản lý kế hoạch độc lập; thiếu thiết bị và vật liệu thi công... Ngoài ra, nguyên nhân khách quan do thời tiết xấu, chậm giao mặt bằng, do ảnh hưởng của biến động giá cả thị trường cũng như một số công việc phát sinh chưa được giải quyết dứt điểm nên Nhà thầu chưa được thanh toán đầy đủ cho các công việc phát sinh, trượt giá mà Nhà thầu đã thực hiện; thời gian gia tải và chờ lún tại một số đoạn kéo dài so với thiết kế…

Về công tác quản lý chất lượng, đơn vị Tư vấn giám sát (TVGS) liên tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc Nhà thầu thi công đảm bảo đúng bản vẽ thi công, biện pháp thi công cũng như chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án. Các Nhà thầu đã xây dựng bộ máy quản lý chất lượng theo đúng quy định trong hợp đồng và các quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, TVGS thường xuyên phối hợp với Chủ đầu tư kiểm tra chất lượng thi công của Nhà thầu và công tác giám sát thi công của TVGS hiện trường. Kết quả cho đến thời điểm hiện tại, nhìn chung chất lượng thi công của Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thỏa mãn yêu cầu của Dự án và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao.


Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với các nhà thầu nước ngoài
về Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sau khi nghe các Nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các gói thầu, tình hình tài chính, giải trình rõ tình trạng chậm tiến độ và đề xuất các biện pháp khắc phục, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá: Đây là dự án hết sức quan trọng, là dự án trọng điểm quốc gia của Bộ GTVT, được Chính phủ, các địa phương đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo hoàn thành đáp ứng đúng tiến độ. Tuy nhiên, tiến độ dự án quá chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân như chậm giải phóng mặt bằng, Chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý, thời tiết xấu, điều kiện vận chuyển khó khăn,… nhưng chủ yếu do năng lực các Nhà thầu quá yếu kém về quản lý tài chính, quản lý điều hành; tổ chức thi công không hợp lý, không khoa học; lựa chọn nhà thầu phụ quá yếu kém; thanh toán công nợ không sòng phẳng dẫn đến việc thi công rất chậm. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các Nhà thầu phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phải thấy được trách nhiệm của mình trong quản lý dự án; tăng cường năng lực tài chính, lực lượng quản lý dự án, nguồn nhân lực để thực hiện làm bù khối lượng công việc đã bị chậm, bổ sung máy móc thiết bị, nhân lực, mở thêm nhiều mũi thi công; khẩn trương thay thế hoặc tăng cường các Nhà thầu phụ để đáp ứng yêu cầu công việc; tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa Chủ đầu tư, TVGS và các nhà thầu với địa phương; bằng mọi giải pháp phải đảm bảo đúng tiến độ thi công. Bộ trưởng cũng cho biết, nếu các Nhà thầu quốc tế không đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ dự án này, Bộ GTVT sẽ có văn bản chấm dứt, thay thế Nhà thầu; ngoài ra sẽ có các quy định, chế tài xử lý không cho các Nhà thầu tham gia vào các dự án giao thông vận tải tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CL CTGT) phối hợp với Chủ đầu tư, các Nhà thầu rà soát lại tiến độ tổng thể của dự án, tiến độ chi tiết từng gói thầu để cập nhật lại và xác định mục tiêu cuối cùng mà Chủ đầu tư và Nhà thầu đã thống nhất. CụcQLXD&CL CTGT khẩn trương dự thảo công điện để Thủ tướng Chính phủ gửi các địa phương yêu cầu giải phóng mặt bằng còn lại, cung cấp và chuyên chở vật liệu xây dựng; kịp thời xử lý những vấn đề pháp lý của Dự án.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Chủ đầu tư rà soát lại thủ tục thanh toán; chuẩn bị đầy đủ nguồn tiền, tạo điều kiện tốt nhất khi thanh toán cho các nhà thầu; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc sử dụng tiền thanh toán của nhà thầu; kịp thời xử lý thay đổi thiết kế; tổ chức giao ban trên công trường với từng gói thầu, cùng TVGS xử lý những vấn đề vướng mắc; cung cấp đầy đủ vật liệu,… mà nhà thầu đề nghị; xử phạt nghiêm các nhà thầu hoặc thầu phụ không hoàn thành tiến độ bằng cách chủ động xem xét cắt giảm khối lượng hoặc chấm dứt hợp đồng; cần thiết xem xét tăng thêm nhà thầu phụ thực hiện.

Bộ trưởng đánh giá Tư vấn giám sát đã bám sát tình hình công trường rất tốt và đề nghị tiếp tục giám sát, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư kịp thời xử lý những vướng mắc cho cả chủ đầu tư và nhà thầu; đồng thời tăng cường thêm lực lượng giám sát có kinh nghiệm thực hiện giám sát nghiêm chất lượng công trình. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian ngắn với khối lượng công việc lớn, Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ, đưa ra các phương án, giải pháp cụ thể cùng với những cam kết thể hiện quyết tâm, nỗ lực của các Nhà thầu để cùng nhau tổ chức thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công Dự án.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây