Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (HCM) Lâm Văn Hoàng cho biết đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020, sẽ nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc VN đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Cụ thể, từ nay tới năm 2020, sẽ hoàn thành 3.183km với quy mô 2 làn xe trong đó đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cải tạo là 2.744km, tận dụng đường hiện hữu là 439km.
Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM cũng cho biết thêm, đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng được 1.578km với tổng mức đầu tư hơn 20.697 tỷ đồng. Đề hoàn thành nối thông tuyến phải triển khai đầu tư xây dựng và nâng cấp cải tạo tiếp 30 dự án với chiều dài 1.165km trong đó có 23 dự án đang triển khai thi công và 7 dự án chưa triển khai.
Về Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và Dự án đường HCM qua Tây Nguyên, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CL CTGT)Trần Xuân Sanh cho biết: Tại các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trên QL1, hầu hết các nhà thầu đã triển khai thi công tích cực tuy nhiên khối lượng còn ở mức khiêm tốn. Ngoài Dự án đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang đảm bảo tiến độ so với kế hoạch, các dự án còn lại đều đang chậm, điển hình là đoạn qua Quảng Ngãi. Trên đường HCM, hầu hết các nhà thầu đều đang thi công tích cực, đáp ứng tiến độ, song vẫn còn một số nhà thầu triển khai thi công rất chậm, trong đó có CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai và Công ty IMICO.
Đối với các dự án BOT, theo ông Sanh, trên QL1, còn nhiều đoạn nhà thầu chưa quyết liệt như đoạn Bắc, Nam Bình Định; hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp. Tại các dự án đường HCM, nhà thầu đều thi công chậm, duy nhất có Liên danh Toàn Mỹ 14 – Băng Dương là đảm bảo tiến độ.
Liên quan đến việc thực hiện các công trình dự án trọng điểm nhà nước của ngành GTVT, Cục trưởng Cục QLXD&CL CTGT Trần Xuân Sanh cho biết ngành GTVT đang triển khai 26 công trình, dự án với tổng kinh phí đầu tư hơn 576 nghìn tỷ đồng trong đó có 15 dự án đường bộ, 6 dự án đường sắt, 2 dự án hàng không và 3 dự án hàng hải. Trong đó có 8 dự án bàn giao và đưa vào khai thác, gồm 6 dự án đường bộ (đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Láng – Hòa Lạc; dự án cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam Vành đai III Hà Nội; Dự án đường Vành đai III Hà Nội giai đoạn 2; Dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), 1 dự án hàng không (cảng HK Phú Quốc mới), 1 dự án hàng hải (Dự án xây dựng cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Đinh La Thăng – Bí thư Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhấn mạnh: Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan cần rà soát lại toàn bộ nguồn vốn để thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội. Cùng đó, cần rà soát, kiểm soát chặt chẽ về quy mô dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các cơ quan phải đặc biệt kiểm soát tiến độ Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và dự án đường HCM đoạn qua khu vực Tây Nguyên cũng như tại các dự án trọng điểm mà các cơ quan của Bộ đang quản lý, thực hiện. Do đó, phải kiên quyết với các nhà thầu, nhà đầu tư. Với những đơn vị đang chậm phải điều chỉnh ngay khối lượng, cần thiết có thể loại ngay nhà thầu không đủ năng lực.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện