Trong những năm qua, công tác quy hoạch phát triển GTVT đã được quan tâm triển khai thực hiện, Quy hoạch đã cụ thể hóa những quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của ngành GTVT, là công cụ để chỉ đạo và điều hành kế hoạch phát triển hàng năm, 5 năm của Bộ GTVT và các địa phương. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với quy hoạch GTVT đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đã từng bước được thể chế hóa và triển khai đồng bộ, góp phần tích cực vào việc quản lý ngành, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển GTVT của ngành, địa phương.
Quy hoạch phát triển GTVT TP. Hồ Chí Minh đến 2020
và tầm nhìn sau 2020 chú trọng việc xây dựng các tuyến đường trên cao
Tuy nhiên, công tác quy hoạch GTVT và quản lý nhà nước đối với quy hoạch GTVT vẫn còn một số hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước nói riêng. Do vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch GTVT là rất cần thiết; nhằm hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch phát triển GTVT, quản lý thống nhất các loại hình quy hoạch GTVT trên phạm vi cả nước.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trương Tấn Viên cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ đã tập trung thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Đề án; trong đó bàn nhiều về tên Đề án, đánh giá thực trạng, thành tựu cũng như những hạn chế trong công tác quy hoạch GTVT; Thứ trưởng yêu cầu tên Đề án phải nêu rõ “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch GTVT”, nội dung Đề án phải ngắn gọn, nêu được ý chính, ý lớn; bên cạnh đó phải làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch GTVT, đặc biệt là những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch GTVT.
Theo dự thảo Đề án có 3 phần chính gồm đánh giá thực trạng, thành tựu về công tác quy hoạch GTVT; kinh nghiệm về công tác quy hoạch GTVT của một số quốc gia; sự cần thiết nâng cao năng lực công tác quy hoạch GTVT; phạm vi, mục tiêu và những giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng công tác quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch GTVT.
Về giải pháp, Dự thảo Đề án tập trung vào 3 giải pháp, đó là hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng quy hoạch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quy hoạch GTVT. Trong giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch sẽ tập trung vào đổi mới phương pháp lập quy hoạch, đổi mới nội dung quy hoạch, xác định rõ nội dung của từng cấp quy hoạch GTVT và tăng cường phối hợp công tác quy hoạch giữa Bộ GTVT với các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính thống nhất.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện