Kết cấu đường nhựa thường có hai lớp chủ yếu là lớp mặt đường và lớp cấp phối đá dăm, hay còn gọi là móng đường. Trước khi thi công lớp nhựa mặt đường, mặt lớp móng phải được làm sạch, khô ráo, bằng phẳng, có độ dốc ngang theo đúng yêu cầu thiết kế. Có nhiều phương pháp để làm sạch lớp móng như quét, chải… bằng máy móc hoặc thủ công. Nếu dùng phương pháp thủ công thì sẽ rất vất vả và hiệu quả không cao, còn nếu dùng máy chải quét thông thường sẽ không thể thu hồi triệt để bụi và hạt rồi ở phần trên mặt móng đường. Từ trước tới nay, công đoạn làm sạch mặt móng đường trước khi thi công lớp mặt ở nước ta thường sử dụng máy nén khí hoặc quạt thổi để thổi bụi rác và dùng chổi quét để thu gom vật liệu rời. Cách làm này không những không xử lý hết bụi mặt đường, mà trái lại còn làm phát tán bụi bẩn ra môi trường xung quanh, làm cho nhà dân hai bên đường phải hứng chịu một lượng lớn bụi lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Nồng độ bụi trong không khí ở các nơi có hoạt động thổi bụi thường vượt trị số tiêu chuẩn cho phép tới hàng chục, có khi hàng trăm lần. Đã có nhiều giải pháp được đề xuất nhằm giảm thiểu lượng bụi phát sinh cũng như giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động thổi bụi mặt đường như: điều chỉnh thời điểm thổi bụi (thi công vào ban đêm), sử dụng xe vệ sinh mặt đường đô thị chuyên dụng có bàn chải chà mặt đường và hệ thống hút bụi... Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thực sự phù hợp và phát huy hiệu quả do việc thi công công trình giao thông đòi hỏi thời gian và giải pháp công nghệ phải đồng bộ.
Trước thực trạng việc làm sạch bề mặt lớp móng đường hiện nay thường gây bụi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đã đề xuất và được Bộ giao thực hiện nhiệm vụ: Nghiên cứu chế tạo thiết bị tạo nhám và thu hồi hạt nhỏ trên bề mặt lớp cấp phối đá dăm mặt đường ô tô trước khi thi công lớp bê tông nhựa” nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và cải thiện môi trường trong xây dựng công trình giao thông đường bộ
Ngày 25/6/2019, Viện Khoa học và công nghệ GTVT đã tổ chức Họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tạo nhám và thu hồi hạt nhỏ trên bề mặt lớp cấp phối đá dăm mặt đường ô tô trước khi thi công lớp bê tông nhựa” Mã số DT184086, do TS. Lê Quý Thuỷ làm chủ nhiệm.
Chủ trì cuộc họp PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang cùng các thành viên Hội đồng theo Quyết định của Viện Trưởng Viện Khoa học và công nghệ GTVT, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu.
Tại cuộc họp, chủ nhiệm đề tài đã báo cáo các nội dung nghiên cứu:
1. Tổng quan về thiết bị làm sạch móng đường và thiết bị làm sạch, thu hồi bụi, hạt rời trên lớp móng đường trước khi rải thảm bê tông nhựa
2. Lựa chọn phương án thiết kế thiết bị làm sạch, thu hồi bụi, hạt rời trên lướp móng đường.
3. Tính toán thiết kế thiết bị làm sạch, thu hồi bụi, hạt rời trên lớp móng đường theo phương án lựa chọn.
4. Chế tạo lắp đặt thiết bị.
5. Thử nghiệm, kiểm định thiết bị.
Với kinh phí thực hiện đề tài hạn hẹp nhưng chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã lựa chọn cách tiếp cận nghiên cứu khoa học, thực hiện khối lượng công việc tương đối lớn, chế tạo thành công thiết bị tạo nhám và thu hồi hạt nhỏ trên bề mặt lớp cấp phối đá dăm mặt đường ô tô trước khi thi công lớp bê tông nhựa theo đúng tiến độ.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã thống nhất thông qua kết quả nghiên cứu, yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu và làm thủ tục nghiệm thu cấp Bộ.
Một số hình ảnh sản phẩm của đề tài
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện