Họp Hội đồng KHCN cấp Bộ đánh giá đề tài “Nghiên cứu công nghệ thi công và xây dựng phương pháp tính toán sức chịu tải cọc hỗn hợp (cọc đất xi măng có lõi cứng bằng cọc ống BTCT đúc ly tâm) trong đất yếu trên cơ sở thí nghiệm hiện trường và tính toán

Thứ ba - 01/01/2019 12:00. Xem: 131
Ngày 20/12/2018, Bộ GTVT đã tổ chức họp Hội đồng KHCN đánh giá đề tài “Nghiên cứu công nghệ thi công và xây dựng phương pháp tính toán sức chịu tải cọc hỗn hợp (cọc đất xi măng có lõi cứng bằng cọc ống BTCT đúc ly tâm) trong đất yếu trên cơ sở thí nghiệm hiện trường và tính toán theo phương pháp phần tử hữu hạn”, mã số DT164034 do ThS. Nguyễn Đức Hậu làm Chủ nhiệm đề tài.

Chủ trì cuộc họp PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT, cùng các thành viên Hội đồng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT và nhóm nghiên cứu.

 Cọc đất xi măng (ĐXM) đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới để cải thiện các đặc trưng xây dựng công trình trên nền đất yếu. Cọc ĐXM rất hiệu quả cho việc giảm độ lún khi chịu tải của khối đắp nhưng loại cọc này có cường độ và độ cứng thấp, dẫn đến sức chịu tải thấp và độ lún lớn, không phù hợp cho các công trình có tải trọng thiết kế trung bình và cao. Cường độ và độ cứng của cọc ĐXM được gia tăng đáng kể khi gia cường một lõi cứng cọc ống BTCT đúc ly tâm (PHC) vào lòng cọc ĐXM, gọi chung là cọc hỗn hợp sử dụng lõi cứng PHC. Lõi cứng PHC có cường độ và độ cứng cao hơn dùng để chịu ứng suất nén trên thân cọc và chịu hầu hết tải trọng công trình sau đó truyền dần dần lên ĐXM.

 Nhu cầu xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trong các khu dân cư và đô thị lớn ở trong nước phát triển rất nhanh, rất cần thiết phải tìm các giải pháp kết cấu nền móng kinh tế và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng dân cư.

Giải pháp cọc hỗn hợp có lõi cứng PHC cần được nghiên cứu hoàn thiện với mục đích đảm bảo ứng dụng hiệu quả và phù hợp với điều kiện nền đất yếu và điều kiện công nghệ của Việt nam, không bị lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài để giảm chi phí đầu tư.

Với lý do này, Bộ GTVT đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đề tài “Nghiên cứu công nghệ thi công và xây dựng phương pháp tính toán sức chịu tải cọc hỗn hợp (cọc đất xi măng có lõi cứng bằng cọc ống BTCT đúc ly tâm) trong đất yếu trên cơ sở thí nghiệm hiện trường và tính toán theo phương pháp phần tử hữu hạn”.

 Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

·          Nghiên cứu nâng sức chịu tải của cọc ĐXM bằng công nghệ thi công lõi cứng theo phương pháp thi công cọc vít.

·          Tận dụng khả năng thi công cọc ĐXM hiện có của các nhà thầu Việt nam để thi công cọc hỗn hợp.

·          Sử dụng lõi cứng bằng cọc ống bê tông ly tâm ứng lực trước hoàn toàn do thị trường trong nước cung ứng.

·          Tạo nên một công nghệ thi công móng cọc thân thiện môi trường và phù hợp với các yêu cầu của thi công trong điều kiện đô thị hay mật độ giao thông cao.

·          Công nghệ có tính kinh tế kỹ thuật hợp lý nhờ sức chịu tải cao, giá thành hợp lý hơn so với các giải pháp móng cọc khác trong điều kiện hạn chế nhất định.  

·          Phạm vi ứng dụng rộng trong xây dựng công trình nói chung cũng như xây dựng công trình giao thông nói riêng.

 

 Tại cuộc họp, chủ nhiệm đề tài đã trình bày các nội dung nghiên cứu gồm:

-          Tổng quan về tình hình nghiên cứu cọc hỗn hợp sử dụng lõi cứng PHC trên thế giới và trong nước

-          Nghiên cứu công nghệ thi công cọc hỗn hợp sử dụng lõi cứng PHC tại việt nam              

-          Nghiên cứu thử nghiệm cọc hỗn hợp sử dụng lõi cứng PHC tại hiện trường

-          Nghiên cứu sự làm việc của cọc hỗn hợp tại hiện trường bằng phương pháp phần tử hữu hạn

-          Nghiên cứu phương pháp tính sức chịu tải của cọc hỗn hợp sử dụng lõi cứng PHC.

-          Dự thảo Chỉ dẫn thiết kế, thi công và nghiệm thu cọc hỗn hợp sử dụng lõi cứng PHC trong xây dựng công trình trên nền đất yếu ở Việt Nam.

 Sản phẩm của đề tài:

-     Báo cáo Tổng kết khoa học công nghệ đề tài

-      Bản vẽ thiết kế

-      Báo cáo kết quả thí nghiệm hiện trường

-      Dự thảo Chỉ dẫn thiết kế, thi công và nghiệm thu cọc hỗn hợp có lõi cứng PHC trong xây dựng công trình trên nền đất yếu ở Việt Nam

-      Bài báo đăng trên Tạp chí Biển và Bờ.

Đề tài đã được các thành viên Hội đồng nghiệm thu, nhất trí kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao, có thể tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu để đóng góp vào các hoạt động thực tiễn của Ngành GTVT. Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu bổ sung các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu. 

Một số hình ảnh cuộc họp

 

 

 

 

Tác giả: admin

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây