Hội thảo đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phân tích không ảnh kết hợp với khảo sát hiện trường để lựa chọn các giải pháp giảm thiểu sụt trượt có hiệu quả tại Việt Nam” Mã số DT164061

Thứ năm - 22/03/2018 13:00. Xem: 127
Phân tích ảnh hàng không dựa trên các hình ảnh chụp từ trên không của cùng một khu vực được lấy từ các vị trí nhìn khác nhau và cho phép tái tạo hình ảnh ba chiều với sự nhấn mạnh về chiều cao. Với phương pháp tiếp cận này, có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu của một vụ trượt lở đất, và nếu chất lượng của hình ảnh đủ tốt, các đặc điểm địa mạo liên quan đến các dịch chuyển của khối trượt như vách trượt chính, vách trượt biên, rãnh, các dòng chảy, mảnh vụn đất đá, đá rơi … cũng có thể được phản ánh.

Bằng phương pháp này, nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng có hiệu quả để xây dựng các bản đồ phân bố trượt đất, bản đồ phân bố nguy cơ về trượt đất,… cho một khu vực hay cả vùng rộng lớn, phục vụ quy hoạch và phòng chống tai biến trượt đất.

Qua phân tích không ảnh, các kỹ sư chuyên ngành có thể xác định được phạm vi vùng dịch chuyển, xác định sơ bộ hoặc chính xác được quy mô vùng trượt đất, phạm vi vùng chịu ảnh hưởng, vị trí mặt trượt,... đặc biệt đối với những điểm trượt đất có quy mô lớn, hoặc địa hình hiểm trở, phức tạp, nhiều khu vực con người không thể tiếp cận trực tiếp.  Trên cơ sở đó sẽ xây dựng được kế hoạch khảo sát hiện trường hợp lý để xác minh, tìm kiếm các dấu tích cụ thể, kết hợp việc khoan khảo sát địa chất, thí nghiệm mẫu đất đá tại đó để xác định được mặt trượt thực tế và lựa chọn các giải pháp xây dựng biện pháp phòng chống mang lại hiệu quả và sự ổn định lâu dài.

Từ trước tới nay tại Việt nam, khi xác định mặt trượt của các điểm trượt đất để phục vụ công tác thiết kế xây dựng công trình phòng hộ cũng như xác định mặt trượt của mái dốc thông thường được sử dụng kết hợp giữa việc khảo sát hiện trường, lấy mẫu đất đá thí nghiệm và sử dụng các phần mềm máy tính để mô hình hóa và tìm kiếm mặt trượt nguy hiểm nhất thông qua việc tính toán tìm kiếm hệ số ổn định nhỏ nhất. Các kỹ sư giả định dạng mặt trượt là mặt trượt phẳng, mặt trượt trụ tròn hay mặt trượt gẫy khúc, đồng thời giả định vùng tâm trượt để sử dụng thuật toán phép lặp lựa chọn hệ số ổn định nhỏ nhất. Kinh nghiệm từ việc xây dựng các công trình phòng hộ ở Việt Nam từ nhiều năm nay cho thấy, việc xác định mặt trượt theo phương pháp truyền thống này không hoàn toàn xác định được vị trí của mặt trượt thực tế nguy hiểm nhất gây ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình xây dựng. Từ đó việc lựa chọn và đưa ra các giải pháp xử lý chưa hẳn đã thực sự hiệu quả. Rất nhiều các công trình chống đỡ kiên cố đã được xây dựng tại các vị trí trượt đất, song nhiều công trình tiếp tục bị phá hủy hoặc bị dịch chuyển chỉ trong thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng. Vì vậy việc Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phân tích không ảnh kết hợp với khảo sát hiện trường để xác định được phạm vi, quy mô, hình dáng, kích thước, hướng dịch chuyển, vị trí mặt trượt nguy hiểm thực tế, nguyên nhân gây trượt, … từ đó thiết kế, lựa chọn các giải pháp giảm thiểu sụt trượt có hiệu quả là đòi hỏi cần thiết hiện nay tại Việt Nam.

Với lý do trên, Bộ GTVT đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phân tích không ảnh kết hợp với khảo sát hiện trường để lựa chọn các giải pháp giảm thiểu sụt trượt có hiệu quả tại Việt Nam”, do ThS. Ngô Doãn Dũng làm chủ nhiệm đề tài. Với mục tiêu là xây dựng Dự thảo hướng dẫn ứng dụng phương pháp phân tích cặp ảnh hàng không kết hợp với khảo sát hiện trường; xây dựng các tiêu chí cơ bản của phương pháp phân tích ảnh hàng không phục vụ công tác khảo sát hiện trường, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí khảo sát; Đề xuất lựa chọn các giải pháp giảm thiểu sụt trượt có hiệu quả, Bộ

Ngày 21/3/2018 Viện Khoa học và công nghệ GTVT đã tổ chức Hội thảo đề tài nêu trên.Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện cùng nhóm nghiên cứu.

  Tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt các nội dung:

  • Tổng quan về tình hình trượt đất và công nghệ phân tích ảnh hàng không
  • Nghiên cứu phương pháp phân tích ảnh hàng không kết hợp với khảo sát hiện trường trong khảo sát trượt đất
  • Ứng dụng phương pháp phân tích ảnh hàng không kết hợp với khảo sát hiện trường tại một số vị trí xảy ra trượt đất cụ thể
  • Dự thảo hướng dẫn lựa chọn các giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu trượt đất
  • Kết luận kiến nghị

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, qua đó chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện kết quả nghiên cứu.

Một số hình ảnh Hội thảo

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây