Tham dự cuộc họp có TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, chủ tịch Hội đồng, chủ trì cùng các thành viên theo Quyết định số 3201/QĐ VKHCN ngày 15/12/2015 của Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và nhóm biên soạn.
Vật liệu bêtông ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các công trình giao thông vận tải, đặc biệt là các công trình cầu đường, với yêu cầu về chất lượng và độ bền ngày càng cao. Trong quá trình sử dụng, bê tông có thể bị nước và các ion clo xâm nhập vào kết cấu vật liệu, làm giảm tính chất vật lý cũng như độ bền hóa học của vật liệu. Để duy trì độ ổn định cho vật liệu bê tông, nhiều loại vật liệu đã được sử dụng làm lớp phủ bảo vệ kết cấu.
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam các loại vật liệu chống thấm dạng thẩm thấu cũng bắt đầu được sử dụng rộng rãi, điển hình trong các công trình cầu. Một số thương hiệu sản phẩm đã có mặt tại Việt Nam như Racon 7, Tamsil 7…
Vật liệu chống thấm dạng thẩm thấu được áp dụng bằng phương pháp phun hoặc dùng dụng cụ quét lên bề mặt kết cấu bê tông đã khô. Vật liệu dạng lỏng thấm vào bê tông và tạo thành các lớp phủ kị nước trong các khoảng trống của cấu kiện bê tông. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là có thể chống thấm thuận và ngược; dễ phối trộn và thi công; có chất lượng hơn hẳn các phương pháp chống thấm truyền thống như sử dụng màng dán, vật liệu gốc ximăng, vật liệu gốc PU…
Tại cuộc họp, nhóm biên soạn đã trình bày tóm tắt sự cần thiết, cơ sở xây dựng và những nội dung dự thảo của tiêu chuẩn.
Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, trên cơ sở đề cương nhiệm vụ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Hội đồng đánh giá cấp cơ sở thống nhất ý kiến chấp thuận nội dung dự thảo Tiêu chuẩn. Theo yêu cầu của Hội đồng, chủ trì biên soạn tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thủ tục trình Bộ theo quy định.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện