Dự án BOT qua thời cưỡng ép

Thứ hai - 10/04/2017 13:00. Xem: 67
Bên cạnh thông tin về xung đột quyền lợi giữa người dân địa phương với chủ trạm thu giá dịch vụ đường bộ Bến Thủy (Nghệ An), Tam Nông (Phú Thọ), việc Bộ Giao thông - Vận tải tiến hành tham vấn ý kiến hai tỉnh Long An, Tiền Giang và Hiệp hội Vận tải thủy Việt Nam về chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo theo hình thức BOT cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.  

 Điểm đáng chú ý của việc làm này nằm ở chỗ, ngoài quy mô xây dựng, giải pháp thiết kế, Bộ Giao thông - Vận tải muốn Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội hai địa phương nêu trên cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng liên quan đến phương án tài chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy, cho dù được đánh giá là công trình trọng điểm quốc gia, nhưng việc có đầu tư tuyến vận tải giá rẻ kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM theo hình thức BOT hay không đã được Bộ Giao thông – Vận tải trao quyền quyết định cho chính quyền, người dân địa phương Long An, Tiền Giang cũng như Hiệp hội Vận tải thủy.

.
.

Ít người biết rằng, từ hơn một năm qua, đã có sự chuyển biến rất lớn trong cách tiếp cận đầu tư các dự án hạ tầng dự kiến triển khai theo hình thức PPP của Bộ Giao thông - Vận tải. Cụ thể, kể từ tháng 9/2016 trở đi, các dự án BOT ngành giao thông chỉ được triển khai nếu có được sự đồng thuận của người dân và chỉ được thu phí hoàn vốn trên chính tuyến đường mà nhà đầu tư bỏ vốn.

Cũng ít người biết rằng, trong quãng thời gian này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã từ chối hoặc dừng triển khai ít nhất 4 đề xuất đầu tư công trình hạ tầng đường bộ BOT do không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các đối tượng lấy ý kiến, gồm: Đảng, chính quyền, Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hiệp hội Vận tải đường bộ và các nhà đầu tư lớn trên địa bàn. Nói cách khác, việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT qua thời cưỡng ép, đầu tư lấy được.

Đây thực sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, bởi nếu tiếp tục cách làm cũ, thì ngoài việc hạn chế quyền đi lại của người dân, sẽ làm bùng phát những bất ổn xã hội không mong đợi, trong đó vụ việc tại trạm thu phí cầu Bến Thủy, Tam Nông là những thí dụ điển hình.

Sức ép đối với ngành giao thông - vận tải là rất lớn do kinh phí cho đầu tư hạ tầng giao thông hạn hẹp, trong khi nhu cầu đi lại của người dân càng ngày càng lớn, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong rằng, đây sẽ là chu trình bắt buộc, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân vùng dự án, cũng như doanh nghiệp.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là mô hình mới, phức tạp hơn nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. Điều này đòi hỏi các bên liên quan, cả cơ quan quản lý nhà nước các cấp và nhà đầu tư, ngân hàng, người sử dụng… phải có cách tiếp cận thích hợp để có thể triển khai thành công.

Có thể khẳng định rằng, mấu chốt dẫn đến thành công cũng như sự phát triển bền vững của các dự án hạ tầng giao thông là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Đó cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước để xã hội đồng thuận hơn nữa về một chủ trương lớn của Đảng và là giải pháp tất yếu để phát triển kết cấu hạ tầng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế như hiện nay.

Nguồn: http://baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây