Quyết tâm cao
Có khá nhiều điểm đột phá liên quan đến việc đầu tư tuyến cao tốc xuyên Việt được đề cập trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (Văn bản số 178/TB - VPCP ngày 4/4/2016).
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam thành 6 - 10 làn xe cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước và thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch.
Liên quan tới phương án đầu tư đại công trình hạ tầng lớn nhất Việt Nam trong 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến các đoạn sẽ được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 và sau năm 2020 theo quy mô đã được phê duyệt tại Quy hoạch.
Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý với phương án Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng).
“Giao Bộ GTVT lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ”, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Chính phủ đang rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta có khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc |
Cần phải nói thêm rằng, so với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Bộ GTVT trình Chính phủ hồi cuối tháng 2/2017, cả quy mô và phần vốn tham gia của Nhà nước tại các dự án xây dựng đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng đều đã được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ gồm từ 4 đến 6 làn xe, trong đó giai đoạn I (từ năm 2017 - 2022) xây dựng quy mô 4 làn xe với chiều rộng 17 m.
Lo ngại không bố trí đủ vốn, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn phương án thấp nhất với tổng kinh phí 102.837 tỷ đồng để xây dựng 467 km cao tốc trong giai đoạn I gồm các đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Vinh, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Phan Thiết - Dầu Giây. Phần vốn 41.414 tỷ đồng của Nhà nước tham gia sẽ được phân chia 27.422 tỷ đồng cho công tác GPMB, 13.992 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng công trình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc quyết định dành thêm gần 14.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và mở rộng quy mô xây dựng đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta có khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.
Cơ chế đột phá
Liên quan đến cơ chế đầu tư huy động vốn - nút thắt lớn nhất đối với đại công trình này, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư Dự án, trên tinh thần chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, nhưng cần tạo động lực thu hút đầu tư, trình Chính phủ quyết định; đồng thời đưa vào nội dung tờ trình Quốc hội xin quyết định chủ trương đầu tư đối với các cơ chế vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, với tinh thần quyết liệt, minh bạch, không tham nhũng, lãng phí, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Thủ tướng khẳng định, sẽ chỉ lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh, trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được duyệt.
Tuy nhiên, để khởi công sớm Dự án, Chính phủ đã đồng ý để Bộ GTVT chỉ định thầu tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế theo quy định và phải tổng hợp vào cơ chế, chính sách đầu tư chung để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm báo cáo Thủ tướng giải pháp tháo gỡ khó khăn nguồn vốn tín dụng trong nước để đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc quan trọng khác.
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù đều có tính khả thi tài chính, nhưng theo Bộ GTVT, việc huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT cao tốc Bắc Nam được dự báo là rất khó khăn.
Hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này.
“Thực tế vừa qua, một số dự án khả thi về phương án tài chính, nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng nhưng đã có văn bản từ chối”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Chính vì vậy, để khơi được nguồn vốn vay trong nước, Bộ GTVT kiến nghị cho phép các tổ chức tín dụng không tính trong tỷ lệ huy động nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; không tính trong tỷ lệ giới hạn tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại lớn cũng được hình thành gói tín dụng riêng cho dự án để huy động được nguồn vốn trong nước theo hướng cho vay một khách hàng vượt quá 15% vốn điều lệ và một nhóm khách hàng vượt quá 25% vốn điều lệ để đầu tư dự án.
“Đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt và ngắn hạn vì rất khó khăn để huy động được nguồn vốn lớn, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tín dụng”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.
Đây cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT thực hiện đa dạng các phương án huy động vốn, bao gồm nguồn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), bảo lãnh Chính phủ, phát hành trái phiếu công trình...
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện