Dự án Long Thành: Đầu tư giai đoạn 1 giảm còn 5,2 tỷ USD

Thứ tư - 25/02/2015 12:00. Xem: 100
Con số trên được đưa ra tại Báo cáo giải trình bổ sung mới nhất về DA xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

 

72
 

 

Vốn nhà nước chỉ chiếm 11,1%

Con số trên được đưa ra tại Báo cáo giải trình bổ sung mới nhất về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa ủy quyền Thủ tướng ký hôm qua (25/2).

Theo báo cáo của Chính phủ, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới, cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát của CHK quốc tế Long Thành chỉ còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng). Trước đó, con số tương ứng đưa ra là 18,7 tỷ USD cho cả ba giai đoạn và 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng) cho riêng giai đoạn 1.

Như vậy, khái toán chi phí đầu tư giai đoạn 1 của dự án sau khi rà soát lại quy mô đầu tư giảm 54.618 tỷ đồng so với khái toán đã trình trước đây. Trong số này, dự kiến vốn ngân sách Nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư) dành cho GPMB, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý Nhà nước... Vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng (chiếm 26,5%) dự kiến dành cho khu bay. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4%) đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các công trình thương mại...

 

73
Suất đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Nội Bài là một trong những đơn giá được áp dụng để tính toán cho CHK Long Thành, giúp hạ vốn đầu tư - Ảnh: K.Linh

 

Đầu tư trước một nhà ga, một đường cất - hạ cánh

“Điều chỉnh quy mô, phạm vi GPMB, tái định cư; Chỉ đầu tư trước một đường cất - hạ cánh trong giai đoạn 1; Không đưa vào dự án các hạng mục được triển khai theo phương án xã hội hóa và do các doanh nghiệp đầu tư... là lý do khiến kinh phí đầu tư dự án giảm đáng kể”, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương cho biết.

Cụ thể, phân kỳ đầu tư hợp lý hơn sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ quyết định chỉ xây dựng một đường cất - hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất - hạ cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn sau cùng, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm theo mục tiêu quy hoạch.

"CHK quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong quy hoạch và đã được công bố quy hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến một lần. Chúng ta phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, giải trình làm rõ hơn về dự án, từ đó xây dựng được một dự án chất lượng hơn. Tuyệt đối không giải trình kiểu đối phó. Giải trình Quốc hội, các chuyên gia cũng là để cho chính chúng ta làm, để sau này khi triển khai sẽ đảm bảo theo đúng những gì đã chuẩn bị và có hiệu quả”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Trước đó, theo Tờ trình số 360/TTr-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng hai đường cất - hạ cánh song song, cấu hình đóng. Tuy nhiên, theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), sau khi rà soát, điều chỉnh, chỉ xây dựng một đường cất - hạ cánh do vẫn duy trì khai thác CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thể hỗ trợ CHK quốc tế Long Thành.

Trên cơ sở phân kỳ đầu tư mới, nhu cầu sử dụng đất cho dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của CHK, sân bay), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200 ha). Trong đó, diện tích đất cần thiết cho giai đoạn 1 là 1.165 ha, với kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) ước tính khoảng 4.042 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2, kinh phí GPMB cho diện tích còn lại 1.585 ha, cần khoảng 7.209 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm kinh phí, Chính phủ đề nghị GPMB một lần cho 2.750 ha với kinh phí ước tính khoảng 9.540 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích chưa xây dựng trong giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình, tránh để trống đất gây lãng phí.

Một lý do khác khiến tổng mức đầu tư dự án giảm đáng kể, theo ACV, là do đơn giá xây dựng được tính toán lại chuẩn xác hơn và áp dụng theo đơn giá của các dự án đã triển khai trong thời gian gần đây tại Việt Nam và các nước trong khu vực như: Nhà ga hành khách quốc tế T2 - CHK quốc tế Nội Bài, Manila Ninoy Aquio - Philippin, Kuala Lumpur - Malaysia và Suvarnabhumi - Thái Lan... “Trước đó, đơn giá này được tính theo suất đầu tư của Nhật Bản”, đại diện ACV cho biết.

Nguồn: baogiaothong.vn

Hôm nay, 26/2, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án CHK quốc tế Long Thành.

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây